Tiếng Việt | English

08/04/2025 - 08:38

Ngăn chặn 'biến tướng' dạy thêm, học thêm

Sau hơn 1,5 tháng kể từ ngày Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (gọi tắt là Thông tư số 29) quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT) có hiệu lực, bên cạnh những hiệu ứng tích cực, dư luận xã hội cũng quan tâm về những “biến tướng” từ việc thực hiện Thông tư, cần được kịp thời chấn chỉnh, xử lý dứt điểm để đưa hoạt động DTHT vào đúng quỹ đạo.

Thông tư số 29 ra đời tránh tiêu cực trong môi trường giáo dục (Trong ảnh: Học sinh tham gia trải nghiệm trong giờ ra chơi)

Thông tư số 29 quy định: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh (HS) tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Giáo viên (GV) đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS đối với HS mà GV đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. GV thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng triển khai cụ thể các quy định của Thông tư số 29 đến Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, ngày 20/3/2025, UBND tỉnh ban hành quyết định quy định DTHT trên địa bàn tỉnh Long An nhằm cụ thể hóa các quy định tại Thông tư số 29; đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động DTHT.

Đến nay, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai, thực hiện các quy định theo đúng tinh thần của Thông tư số 29. Bên cạnh niêm yết Thông tư trước cổng trường, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP.Tân An) còn tổ chức triển khai đến toàn thể cán bộ, GV nhà trường bằng nhiều hình thức. Thông tư này được Ban Giám hiệu trường quán triệt đến tất cả cán bộ, GV trong các cuộc họp và trong buổi sinh hoạt dưới cờ đối với HS.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ, những quy định mới về DTHT cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh và GV.

Việc đổi mới bao giờ cũng khó khăn và người tiếp nhận đổi mới cũng cần có thời gian, vì vậy, để Thông tư số 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả không chỉ cần sự nỗ lực của ngành Giáo dục mà còn cần sự chung tay, quyết liệt, trách nhiệm rất lớn từ phụ huynh và cộng đồng xã hội. Tất cả vì một nền giáo dục văn minh, hiện đại, thân thiện, tích cực.

Bà Đặng Thùy Liên - GV về hưu tại TP.Tân An, chia sẻ: "Thông tư này không cho phép DTHT đối với HS tiểu học là phù hợp vì đây là lứa tuổi ưu tiên cho việc phát triển về thể chất, tham gia các lớp năng khiếu theo sở thích. Không học thêm, các em có nhiều thời gian để gần gũi, bồi dưỡng tình cảm gia đình".

Đối với cấp THCS và THPT, điều bà Liên tán đồng nhất là không được dạy thêm HS của mình. Từ đó, thúc đẩy GV không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong giảng dạy. Những GV giỏi sẽ thu hút được HS đăng ký học, tạo sự minh bạch trong hoạt động DTHT.

Nhiều phụ huynh bày tỏ vui mừng vì dừng DTHT giúp giảm áp lực cho HS. Nhiều gia đình giảm được gánh nặng tài chính khi cho con học thêm như trước đây. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có con đang là HS cuối cấp tỏ ra rất lo lắng khi thời điểm Thông tư số 29 ban hành là lúc các em đang trong giai đoạn ôn tập nước rút chuẩn bị bước vào các kỳ thi quan trọng: Tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT.

Quy định của Thông tư số 29 nhằm bảo đảm tính khách quan, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực như khoanh vùng đề thi, bớt xén chương trình chính khóa để DTHT đại trà,... Để được dạy thêm HS mình đang trực tiếp giảng dạy chính khóa, một bộ phận GV đã “lách luật”.

Anh N.V.V. (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa) cho biết, khi Thông tư số 29 ra đời, việc quản lý DTHT chặt chẽ hơn trước. Anh có con đang học cấp THCS. Trước đây, con của anh ngoài chương trình chính khóa đều học thêm tất cả các ngày trong tuần. Chương trình rất nặng, cháu không có thời gian để hoạt động thể chất. Sau này, con của anh không còn học thêm nữa.

Tuy nhiên, anh N.V.V. nói: “Tôi biết có trường hợp vẫn tổ chức DTHT cho HS chính khóa của GV tại nhà trên danh nghĩa dạy phụ đạo không thu tiền nhưng đây chỉ là “hình thức”, còn thực tế, phụ huynh vẫn phải đóng tiền cho GV”.

DTHT là nhu cầu lớn và chính đáng của GV và HS. Việc ra đời Thông tư số 29, Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấm DTHT nhưng hoạt động này phải được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng giảng dạy và quyền lợi của HS, tránh tiêu cực trong môi trường giáo dục.

Để hoạt động DTHT đi vào nền nếp, đúng quy định, các cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động DTHT./.

Như Nguyệt - Lâm Quân

Chia sẻ bài viết