Tiếng Việt | English

26/12/2016 - 08:20

Ngành Dân số: Thành tựu 40 năm phát triển (1976-2016)

40 năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Long An đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều mô hình nâng cao chất lượng DS được triển khai rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực. Những thành tựu đó góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

40 năm nỗ lực

Hơn 40 năm trước, trình độ dân trí chưa cao, việc tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ còn xa lạ với người dân. Nhiều người quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ” hay “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, phải “kiếm” cho bằng được “cháu đích tôn” nói dõi tông đường. Việc sinh đẻ không có kế hoạch không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý người phụ nữ mà còn là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, KT-XH của quốc gia. DS tăng nhanh gây khó khăn trong kiểm soát, giải quyết việc làm, tăng tỷ lệ thất nghiệp, sức ép DS cũng ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên của quốc gia,...


Nhận thức của người dân ngày càng nâng cao, phụ nữ đã chú trọng đến việc bảo vệ sức khỏe sinh sản của bản thân

Chính vì vậy, chính sách DS luôn được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Kiểm soát mức tăng DS góp phần phát triển KT-XH của đất nước. Việc thay đổi nhận thức người dân, chuyển biến hành vi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành DS nói chung, tỉnh Long An nói riêng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ - Trần Thị Liễu, tại Long An, sau ngày thống nhất đất nước, cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch được triển khai và đẩy mạnh trên phạm vi cả tỉnh. Đến năm 1986, các chỉ tiêu về DS được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV. Mỗi năm đều hạ tỷ lệ phát triển DS, đến năm 1990 còn 1,5%; đưa vấn đề DS-KHHGĐ vào nhà trường như một bộ phận của chương trình chính quy bắt buộc đối với lứa tuổi quy định,...

Ngày 26/12/1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành Quyết định số 216-CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của Việt Nam về công tác DS-KHHGĐ. Với quyết định này, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á triển khai chương trình DS-KHHGĐ.

Trải qua 55 năm phát triển, đến nay, ngành DS-KHHGĐ Việt Nam đạt những thành tựu to lớn. Đặc biệt, số con trung bình của một bà mẹ tính đến hết tuổi sinh đẻ, giảm từ 6,8 con (giai đoạn 1965-1969) xuống còn khoảng 2,1 con (mức sinh thay thế) vào năm 2005. Mức sinh thấp này được duy trì cho đến nay. Mô hình “gia đình 2 con” trở nên phổ biến. Mục tiêu mà chính sách DS-KHHGĐ theo đuổi hơn nửa thế kỷ qua đạt được,...

Sau năm 1993, khi có Nghị định 42/CP của Chính phủ và Thông tư số 31/TTLB của Ban Tổ chức Chính phủ quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, lề lối làm việc của Ủy ban DS-KHHGĐ, Trung ương cấp kinh phí theo chương trình mục tiêu. Đặc biệt, khi có Nghị quyết số 04-NQ/HNTW (khóa VII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chính sách DS-KHHGĐ, chương trình DS-KHHGĐ của tỉnh bắt đầu phát triển. Từ đó, tổ chức bộ máy được củng cố với 253 cán bộ chuyên trách và 2.300 cộng tác viên (CTV). Các mục tiêu đạt kết quả khả quan: Tỷ suất sinh năm 1994 là 28,5‰, xuống còn 19,0‰ năm 2000; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 25,5% xuống còn 15,3%; tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai từ 35,62% tăng lên 67,8% năm 2000. Với những thành công ấy, Ủy ban DS-KHHGĐ tỉnh nhận được Huân chương Lao động hạng Ba năm 2000.


Nâng cao chất lượng DS là nhiệm vụ hàng đầu trong việc bảo đảm sức khỏe, thể trạng của những chủ nhân tương lai của đất nước

Từ năm 2001, tổ chức bộ máy DS tiếp tục thay đổi. Ủy ban DS-KHHGĐ được sáp nhập với Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em thành Ủy ban DS - Gia đình và Trẻ em triển khai đồng bộ 3 mảng DS - gia đình và trẻ em (GĐ-TE). Sự gắn kết này hỗ trợ lẫn nhau, giúp đạt các mục tiêu đề ra. Đến năm 2007, thực hiện chủ trương cải cách hành chính, Chính phủ giải thể Ủy ban DS-GĐ&TE, đưa lĩnh vực DS-KHHGĐ về ngành Y tế.

Thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi - thành công lớn nhất

Đến nay, Long An được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương củng cố tổ chức bộ máy nhanh nhất so với cả nước. Công tác DS-KHHGĐ thường xuyên được quan tâm, đầu tư; nhiều chế độ, chính sách DS-KHHGĐ được ban hành. Từ đó, các kết quả sau 40 năm góp phần thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi trong việc thực hiện các chính sách về DS.


Tư vấn sức khỏe sinh sản

Tuy còn nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí nhưng công tác DS-KHHGĐ đạt những kết quả khả quan. Năm 2016, toàn tỉnh có 60/192 xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên. Các chỉ tiêu nâng cao chất lượng DS như: Sàng lọc trước sinh, sơ sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, nhờ công tác tuyên truyền, vận động mà nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, phụ nữ chú trọng đến việc bảo vệ sức khỏe sinh sản của bản thân.

Chị Phan Thị Ngân (ấp 4, xã Lương Bình, huyện Bến Lức) cho biết: “Gia đình tôi trồng 2ha chanh, ổi nên kinh tế ổn định. Tôi có 2 con gái nhưng gia đình không “áp đặt” phải có con trai nối dõi. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, được cán bộ DS tuyên truyền, vận động, tôi hiểu rằng, việc sinh ít con bảo đảm sức khỏe và nuôi dạy con tốt”.

Góp phần vào thành tựu chung, phải kể đến đội ngũ CTV - “cánh tay nối dài” của ngành DS. Hiện tại, với 192 xã, phường, thị trấn, Long An có 3.500 CTV. Chính nhờ sự nhiệt tình, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” của các CTV mà những người dân, dù ở vùng sâu, vùng xa vẫn tiếp cận được các thông tin tuyên truyền về chính sách DS.

Chị Trà Thị Phượng (CTV ấp Trung, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) cho biết: “Địa bàn tôi phụ trách là một trong những khu vực khó khăn của xã, trình độ dân trí còn hạn chế nên việc tuyên truyền không dễ dàng. Vì vậy, CTV phải có sự kiên trì, vận động thường xuyên theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu” thì mới đạt hiệu quả”.

Tại Long An, giai đoạn 1979-1989, DS tăng bình quân 1,7%; từ 1989-1999 tăng 1,5% và chỉ còn 1% trong giai đoạn 1999-2009 (cả nước 1,2%). Đến năm 2016, tỷ lệ phát triển DS tự nhiên của Long An dưới 0,7%.

Số con trung bình của 1 phụ nữ là 2 con được duy trì từ năm 2003 đến nay. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 55% (năm 1986) xuống còn dưới 4% (năm 2016).

Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có trên 95% trẻ sinh ra được lấy máu gót chân; trên 90% thai phụ được siêu âm sàng lọc phát hiện sớm dị tật thai nhi; trên 90% cặp kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Thực hiện chính sách DS không chỉ là nhiệm vụ của ngành chuyên môn mà còn cần có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị. Trong đó, công tác chỉ đạo, quản lý ở các cấp có vai trò quyết định. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa - Huỳnh Nông Nghiệp thông tin: “Các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương luôn ý thức tuân thủ các quy định về chính sách DS-KHHGĐ. Mô hình xã không có người sinh con thứ 3 trở lên được duy trì trong nhiều năm liền là thành quả mà chúng tôi cần giữ vững, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương”.

Những thành tựu của công tác DS-KHHGĐ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển KT-XH của đất nước. Thu nhập bình quân đầu người được nâng cao. Đời sống người dân được cải thiện, giảm nghèo hiệu quả, công tác bình đẳng giới được tăng cường,... góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước./.

Phạm Ngân-Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết