Tiếng Việt | English

21/10/2021 - 11:40

Ngành Nông nghiệp Long An: Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ nông sản của người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, với sự chung tay, nỗ lực của toàn ngành, tốc độ tăng trưởng vẫn duy trì ổn định trong 9 tháng năm 2021. Phát huy kết quả đã đạt, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2021.

Chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất

9 tháng qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số loại nông sản gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ nhưng ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, tích cực tìm hướng đi mới tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 9 tháng năm 2021, tình hình trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thị trường trong nước cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp và nông sản luôn biến động làm cho người sản xuất không yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất. Tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong 9 tháng năm 2021 là 2.466ha, trong đó chuyển đổi sang cây trồng hàng năm 1.434ha, cây trồng lâu năm 1.032ha.

Điều chỉnh kế hoạch sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển

Ngoài công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng xây dựng phương án sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình mới, đặc biệt trong thời điểm từ nay đến cuối năm 2021. Theo đó, ngành khuyến cáo nông dân bố trí sản xuất với cơ cấu hợp lý về chủng loại, diện tích phù hợp, tránh rủi ro khi tiêu thụ, trong đó cần chú ý chuyển đổi diện tích từ cây trồng khác đang gặp khó khăn sang cây trồng dễ chăm sóc, bảo quản được lâu và dễ vận chuyển. Ông Nguyễn Tấn Thọ (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) đang trồng hơn 2ha chanh không hạt. Ông cho biết: “Trong quá trình sản xuất, tôi chú trọng chất lượng và tính an toàn của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Thay vì chạy theo số lượng, năng suất như trước đây, tôi tập trung vào hiệu quả, biết nắm bắt thị trường, chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, mang lại lợi nhuận trên mỗi vụ trồng”.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha, trong những tháng còn lại của năm 2021, huyện đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp điều kiện của địa phương và nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp huyện cũng vận động các hộ nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ngắn ngày để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. “Thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện tăng cường cập nhật thông tin, dự báo về tình hình phát triển sản xuất các loại nông sản, giá cả thị trường để người dân tại địa phương chủ động sản xuất. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích, hỗ trợ người dân liên kết với các doanh nghiệp, chủ động tìm kiếm thị trường, bảo đảm tiêu thụ ổn định” - ông Kha cho biết thêm.

Còn tại huyện Tân Trụ, cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nông dân trên địa bàn huyện cũng đang khẩn trương khôi phục sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới. Ðến thời điểm này, nông dân đang khắc phục khó khăn, bảo đảm sản xuất vụ lúa Thu Đông 2021 đạt hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Ngô Tấn Tài cho biết: “Hiện nay, bên cạnh việc tập trung phòng, chống dịch Covid-19, UBND huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn huyện tiếp tục thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Song song đó, củng cố lại các tổ chức nông dân; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong sản xuất, liên kết tiêu thụ, giúp giảm giá thành nông sản, tăng tính cạnh tranh và nâng cao thu nhập cho nông dân”.

Tập trung sản xuất hiệu quả vụ Thu Đông 2021 và vụ Đông Xuân 2021-2022

Vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh được xem là vựa lúa lớn; đồng thời, là khu vực góp phần cho ngành Nông nghiệp tỉnh hoàn thành chỉ tiêu sản lượng lúa đạt trên 2,7 triệu tấn/năm. Theo đó, những năm qua, vùng Đồng Tháp Mười nói riêng và cả tỉnh nói chung được các cấp, các ngành đầu tư từ kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, trạm bơm điện đến việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất với mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng lúa chất lượng cao.

Năm 2021, huyện Tân Thạnh gieo sạ 83.775ha, đạt 115,55% kế hoạch, bằng 105,11% so cùng kỳ năm 2020, sản lượng thu hoạch đạt 454.424 tấn. Song, tình trạng “được mùa, mất giá” luôn là điệp khúc, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này, nông dân chủ động thay đổi tập quán sản xuất, chuyển sang trồng các loại giống lúa chất lượng cao như OM 4900, OM 7347, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9,... Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Thạnh - Mai Văn On thông tin: “Theo thống kê, hàng năm, diện tích trồng lúa giảm do nông dân chuyển sang các loại cây trồng khác mang giá trị kinh tế cao hơn. Dù diện tích trồng lúa giảm nhưng năng suất, sản lượng vẫn tăng, đạt trên 95% lúa chất lượng cao”.

Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ

Theo kế hoạch năm 2021, ngành NN&PTNT phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng toàn ngành 1,5-2,0%. Trong đó, sản lượng lúa đạt 2,7 triệu tấn; có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 7 xã đạt NTM nâng cao; thêm 2 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,3%; trồng 1 triệu cây phân tán các loại và 500ha rừng sau khai thác;...

Kết quả, đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của ngành đạt trên 3%, sản lượng lúa đạt trên 2,7 triệu tấn; 12 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt NTM nâng cao, thị xã Kiến Tường đang làm hồ sơ để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020, huyện Tân Trụ cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng huyện NTM; trồng trên 1 triệu cây phân tán các loại;... Đạt được kết quả trên nhờ sự chỉ đạo, điều hành, vào cuộc quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng như tận dụng được những thuận lợi từ thời tiết, quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Sản lượng lúa 9 tháng năm 2021 đạt trên 2,7 triệu tấn

Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong thu hoạch và tiêu thụ nông sản. Đến nay, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch để phục hồi sản xuất. Do vậy, thời gian tới, ngành tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là chỉ đạo bảo vệ và sản xuất hiệu quả vụ Thu Đông 2021. Kế đó, tập trung phát triển sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 theo chuỗi giá trị, mở rộng các vùng chuyên canh tạo ra sản phẩm cây trồng an toàn có giá trị kinh tế cao, có đầu ra ổn định. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tổ chức triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, thực hiện Tháng Vệ sinh khử trùng, tiêu độc đợt 2, nỗ lực khống chế dịch tả heo châu Phi, bệnh viêm da nổi cục, tuyệt đối không để “dịch chồng dịch”. Tiến hành đánh giá, tổng hợp tình hình chăn nuôi tại các địa phương, hướng dẫn người dân có phương án tái đàn hợp lý, tiêu thụ thuận lợi, bảo đảm nguồn cung thịt cho các dịp lễ, tết cuối năm. Với lĩnh vực thủy sản, Sở yêu cầu các đơn vị chức năng trực thuộc tăng cường quản lý, cảnh báo môi trường, dịch bệnh vùng nuôi; hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả”.

Cùng với các giải pháp trên, Sở NN&PTNT cũng đề nghị các đơn vị có liên quan, phòng NN&PTNT, phòng Kinh tế các địa phương tập trung triển khai Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Với sự đoàn kết, quyết tâm cao của toàn ngành, tin rằng ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra./.

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết