Vẫn còn khó khăn
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Văn Cảnh, Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chương trình đột phá của tỉnh, một định hướng đúng đắn nhằm phát triển ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững mang tầm chiến lược, giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đây là một nội dung rất khó bởi là chương trình mới, chưa có tiền lệ, vừa thực hiện, vừa rút kinh nghiệm, đối tượng trực tiếp là nông dân. Do đó, thay đổi tập quán canh tác không phải chuyện dễ, cần kiên trì, bền bỉ. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện đề án, mặc dù kết quả triển khai còn chậm so với yêu cầu đề ra nhưng cái được lớn nhất là làm thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân.
Mặc dù các chỉ tiêu của đề án trên 3 cây, 1 con cơ bản đạt các chỉ tiêu về mặt định lượng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn
Tổng vốn đầu tư phát triển (đầu tư công) bố trí cho các công trình nông nghiệp ƯDCNC hơn 19,8 tỉ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 22.320,8ha lúa ƯDCNC, trong đó 11.411ha ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến, 100% diện tích sử dụng giống chất lượng cao, đạt chuẩn cấp xác nhận với lượng giống 80-100kg/ha.
Về cây rau, tỉnh có khoảng 2.092,5ha ƯDCNC trong sản xuất và đã xây dựng được 8 chuỗi rau an toàn tại vùng sản xuất rau ƯDCNC. Cây thanh long hiện tỉnh có 2.082,05ha. So với lúa, rau, thanh long thì việc triển khai ƯDCNC trong chăn nuôi bò thịt gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã xây dựng được 2 hợp tác xã (HTX) điểm, 16 tổ hợp tác và 10 mô hình điểm ƯDCNC trong chăn nuôi bò thịt.
“Mặc dù các chỉ tiêu của đề án trên 3 cây, 1 con cơ bản đạt các chỉ tiêu về mặt định lượng, có một số chỉ tiêu vượt so với kế hoạch đề ra (cây lúa đạt 111,6%; rau đạt 104,6%; thanh long đạt 104,1%) nhưng chất lượng bên trong chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là xây dựng các HTX điểm, HTX điển hình. Đến nay, vẫn còn chỉ tiêu chưa thực hiện được đó là hỗ trợ hình thành từ 1-2 cơ sở ươm tạo công nghệ cao.
Bên cạnh đó, đáng lưu ý là nhận thức về liên kết sản xuất của người dân vẫn chưa thật sự thay đổi, nhất là tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, vào HTX để hưởng cơ chế, chính sách. Việc không tuân thủ quy trình sản xuất, uy tín trong thực hiện hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và người dân vẫn còn xảy ra.
Một số mô hình trình diễn sản xuất ƯDCNC bước đầu thực hiện hiệu quả nhưng khi nhân rộng lại gặp khó khăn về vốn đối ứng của người dân do thiếu vốn. Thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp làm đầu tàu dẫn dắt cho ngành nông nghiệp.
Số doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC còn ít và chưa có nhiều hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong khâu sơ chế, chế biến để nâng cao năng suất sản xuất. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn rời rạc do vậy phát huy tính hiệu quả chưa cao, chưa phát huy hết nguồn lực đầu tư” - ông Cảnh cho biết thêm.
Tại huyện Cần Giuộc, sau khi triển khai thực hiện đề án đến nay, bước đầu có sự chuyển biến tích cực, nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa hiệu quả thấp sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện toàn huyện có 28 HTX, trong đó HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phước Thịnh là HTX điểm của tỉnh và có 95 tổ liên kết sản xuất. Trong số 28 HTX có 7 HTX rau được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 3 HTX được cấp chứng nhận sản xuất rau theo chuỗi an toàn, 4 HTX, tổ hợp tác đang thực hiện VietGAP. Lũy kế đến nay, toàn huyện đạt 980,24ha ƯDCNC.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc, bên cạnh kết quả đã đạt, huyện cũng gặp không ít khó khăn như: Người dân cư trú phân tán, đất đai manh mún, giá chuyển nhượng lại cao, tình hình chuyển nhượng phức tạp do gần TP.HCM nên việc mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực này rất khó khăn.
Do đó, việc ƯDCNC chỉ dừng ở mức độ nông hộ nên phạm vi ứng dụng còn hẹp, giới hạn ở một số nội dung. Chưa có doanh nghiệp nào thực sự trở thành đầu mối, cung cấp đầy đủ nhu cầu về cây, con giống, nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Thời gian qua, huyện quan tâm hỗ trợ thành lập nhiều HTX nhưng chỉ có một số ít thực sự hoạt động hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện
Để đề án triển khai, thực hiện đạt hiệu quả về mặt chất lượng trong thời gian tới, ông Phạm Văn Cảnh đề nghị: Các ngành, địa phương cần quan tâm củng cố, phát triển các tổ hợp tác, HTX, HTX điểm, HTX điển hình đã hình thành trong giai đoạn 2017-2020; phối hợp triển khai, làm điểm lan tỏa của đề án giai đoạn 2021-2025; hợp tác sản xuất theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với mục tiêu phát triển tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hướng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân phải bền vững, coi trọng chữ tín với nhau và có sự thống nhất, hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia liên kết; thường xuyên gặp gỡ, đối thoại giữa các bên tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bên liên quan chuỗi giá trị.
Các sở, ngành tỉnh, địa phương tăng cường vận động, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, khâu sản xuất, chế biến, làm đầu tàu thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn; hướng dẫn, hỗ trợ một số doanh nghiệp đang có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản ƯDCNC để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ.
Giai đoạn 2021-2025, tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, trong đó mở rộng diện tích và đối tượng thực hiện: Cây lúa 60.200ha; thanh long 6.000ha; cây chanh 3.000ha; duy trì 2.000ha rau ƯDCNC; con tôm 100ha ƯDCNC và con bò thịt”./.
Huỳnh Phong