Tiếng Việt | English

22/03/2023 - 09:54

Ngành ô tô Việt Nam trước thách thức từ xe nhập khẩu

Ô tô nhập khẩu liên tục tăng số lượng trong những năm trở lại đây đang gây áp lực vô hình lên ngành sản xuất ô tô trong nước.

Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng ô tô xuất xưởng tại Việt Nam đã liên tục tăng trưởng trong quãng thời gian từ năm 2019 đến nay và đạt gần 440.000 xe vào năm 2022. Dù là một tín hiệu tích cực cho ngành ô tô Việt Nam nhưng thị trường cũng đang tiềm ẩn một vấn đề khác.

Do nhu cầu tăng kéo theo lượng ô tô cung ứng ra thị trường cũng tăng cao, doanh số ô tô Việt Nam liên tục tăng trong những năm trở lại đây sau khi dịch COVID-19 được kiểm soá; Đặc biệt, năm 2022 doanh số ô tô trong nước đạt mức kỷ lục - hơn nửa triệu xe (tính gộp từ số liệu của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), Hyundai Thành Công và VinFast).


Xe nhập khẩu ngày càng tăng tại Việt Nam

Bên cạnh việc sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước, các hãng xe cũng phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thực tế, sản lượng này đang tăng mạnh bất chấp doanh nghiệp ô tô trong nước được tạo nhiều điều kiện để phát triển và các mẫu xe cũng có nhiều chính sách để tăng doanh số.

Trong năm 2022, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam đạt 176.590 chiếc, dù chưa bằng với sản lượng xe xuất xứ trong nước nhưng thực tế con số này đã gấp đôi so với giai đoạn trước năm 2018. Lượng ô tô nguyên chiếc từ nước ngoài đổ về cũng liên tục tăng mạnh theo từng năm; trong 2 tháng đầu năm nay cũng ghi nhận tới 26.780 ô tô nguyên chiếc với kim ngạch hơn 570 triệu USD, tăng 96,1% về số lượng và 68,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này được lý giải do các Hiệp định, thỏa thuận thương mại mà Việt Nam tham gia đã bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018 như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) (vừa gia hạn thêm trong giai đoạn 2022 - 2027), giảm thuế nhập khẩu về mức 0% đối với ô tô trong khu vực Đông Nam Á.


Ngành sản xuất ô tô trong nước đứng trước áp lực từ xe nhập khẩu

Bên cạnh đó, ngành ô tô Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với làn sóng xe nhập khẩu lớn từ nhiều thị trường khác sau khi nước ta trở thành thành niên của các hiệp định thương mại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), khiến thuế nhập khẩu ô tô dần về mức 0%.

Tại Việt Nam, không ít hãng xe có nhà máy lắp ráp trong nước nhưng hầu như không được đầu tư để cải tiến quy trình nhiều trong khi vẫn nhập khẩu số lượng lớn ô tô từ nước ngoài, chiếm tới 80% - 90% doanh số xe bán ra thị trường.

Hiện tại, khó khăn đối với các nhà sản xuất trong nước cũng nằm ở khả năng cung ứng linh kiện khi ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn chưa phát triển, nhiều bộ phận và chi tiết phải nhập từ nước ngoài, gây giảm tính cạnh tranh.

Mới đây, 3 hiệp hội lớn trong ngành ô tô Việt Nam (Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng và các doanh nghiệp cơ khi Việt Nam) đã cùng kiến nghị giảm 50% phí trước bạ khi đăng kí ô tô trong năm nay.


VinFast VF 8 là mẫu xe điện được sản xuất trong nước

Tuy nhiên, nghị quyết trong phiên họp thường kỳ mới đây của Chính phủ cho thấy Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đang được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu phương án gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và hỗ trợ lệ phí trước bạ dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Để cải thiện tỷ lệ xe lắp ráp trong nước, Chính phủ và các ban ngành cần có những biện pháp khắc phục từ ngành công nghiệp hỗ trợ và một số chính sách mạnh hơn để cải thiện chất lượng và hiệu quả cho ngành sản xuất ô tô trong nước hiện nay./.

CTV Hoàng Phúc/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích