Tiếng Việt | English

15/12/2022 - 11:28

Những chính sách tác động đến thị trường ô tô Việt Nam năm 2022

Những chính sách miễn giảm lệ phí trước bạ với nhiều dòng xe ô tô... góp phần tạo động lực giúp thị trường ô tô Việt Nam từng bước hồi phục trong năm 2022 sau một thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường ô tô Việt Nam có bước phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Sức mua từng bước hồi phục cùng với nhiều mẫu mã mới xuất hiện giúp doanh số bán ô tô của toàn thị trường tăng trưởng.

Thị trường ô tô Việt Nam hồi phục sau giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 (BÁ HÙNG)

Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), chỉ sau 11 tháng tổng doanh số bán ô tô của các thành viên thuộc VAMA đạt tới 369.334 xe các loại, tăng 43% so với năm 2021. Trong đó, ô tô du lịch chiếm tỉ lệ cao nhất và tăng trưởng doanh số lên tới 63%. Cộng dồn số liệu bán hàng của VinFast cũng như TC Motor - đơn vị lắp ráp, nhập khẩu phân phối ô tô Hyundai... Sau 11 tháng của năm 2022, tổng lượng ô tô bán ra tại Việt Nam đã vượt mốc 460.000 xe các loại và hoàn toàn có thể đạt mốc nửa triệu xe bán ra khi kết thúc năm 2022.

Bên cạnh nỗ lực của các nhà sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô... bước phục hồi mạnh mẽ của thị trường ô tô trong năm 2022 đến từ những chính sách miễn giảm lệ phí trước bạ với nhiều dòng xe ô tô. Hãy cùng Thanh Niên điểm lại những chính sách nổi bật tác động đến thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2022:

Miễn lệ phí trước bạ với ô tô điện chạy bằng pin

Để tạo điều kiện cho ô tô điện phát triển tại Việt Nam, đầu năm 2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định về lệ phí trước bạ, trong đó có quy định về việc miễn lệ phí trước bạ cho ô tô điện chạy bằng pin.

Chính sách miễn lệ phí trước bạ cho ô tô điện chạy bằng pin đã phần nào khuyến khích người tiêu dùng mua sắm ô tô điện (BÁ HÙNG)

Điểm c khoản 5, điều 8 của Nghị định 10/2022/NĐ-CP cũng quy định về việc tính lệ phí trước bạ với ô tô điện chạy pin, chia thành hai giai đoạn như sau: Giai đoạn 1 tính từ thời điểm Nghị định 10/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/3/2022 đến hết 1/3/2025, tức trong vòng 3 năm, mức thu lệ phí trước bạ với ô tô điện chạy pin là 0%. Giai đoạn 2, tính từ sau ngày 1/3/2025 đến hết 1/3/2027, mức thu lệ phí trước bạ khi mua ô tô điện chạy pin bằng 50% mức thu với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Các loại ô tô điện chạy pin nộp lệ phí trước bạ lần thứ hai trở đi với mức thu là 2%, áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Chính sách này dù chưa mang đến nhiều ưu đãi như cách một số quốc gia trợ giá cho người dân mua xe điện, tuy nhiên cũng phần nào mang đến những tín hiệu tích cực cho thị trường xe điện tại Việt Nam vốn đang trong giai đoạn mở đầu. Hãng xe điện VinFast tiên phong dừng sản xuất, kinh doanh xe xăng để chuyển hoàn toàn sang xe điện. Những mẫu ô tô điện đầu tay của VinFast bán ra thị trường như VF e34, VF 8… đã được đông đảo người tiêu dùng trong nước đón nhận. Không những vậy VinFast còn xuất khẩu lô ô tô điện đầu tiên sang Mỹ.

Nhiều hãng xe tại Việt Nam lên kế hoạch mở bán ô tô điện tại Việt Nam (BÁ HÙNG)

Không chỉ VinFast, nhiều hãng xe sang như Porsche, Audi, Mercedes-Benz cũng như một số thương hiệu ô tô phổ thông như Hyundai, Kia… cũng đã và đang lên kế hoạch phân phối ô tô điện tại Việt Nam.

Chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp sản xuất trong nước

Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước theo quy định tại Nghị định 103/2021 NĐ-CP thực tế đã có hiệu lực từ ngày 1/12/2021, tuy nhiên việc kéo dài đến hết 31/5/2022 đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường ô tô. Đây là lần thứ 2 Chính phủ áp dụng chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp sản xuất trong nước.

Chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp sản xuất trong nước lần 2 được áp dụng đã tạo động lực cho thị trường hồi phục (BÁ HÙNG)

Chính sách này thực sự đã mang lại những hiệu ứng tích cực trên thị trường ô tô. Bởi lẽ, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước dù không tác động trực tiếp đến giá xe, nhưng sẽ góp phần giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu ô tô, làm tăng khả năng tiếp cận ô tô của người dân, từ đó khuyến khích nhu cầu sở hữu xe và kích cầu tiêu dùng. Nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, thị trường ô tô Việt Nam đã có bước chạy đà hoàn hảo trong giai đoạn đầu năm, tạo động lực cho thị trường hồi phục.

Bãi bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô từ 1/10/2022

Ngày 10/8/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN về việc bãi bỏ các văn bản quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Từ tháng 10/2022 Chính phủ đã bãi bỏ các văn bản quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô (Bá Hùng)

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật sau đây: - Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 về việc sửa đổi, bổ sung; Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12/3/2012 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 1/10/2022. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, giới chuyên môn cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp ô tô, bởi Việt Nam hiện vẫn sử dụng cách tính tỷ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước. Trong khi đó, các nước ASEAN lại tính theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)./.

BÁ HÙNG (Báo Thanh Niên)

Chia sẻ bài viết