Tiếng Việt | English

19/04/2024 - 16:38

Ngày Gan thế giới 2024: Ăn gì, làm gì để gan luôn khỏe mạnh?

Ngày Gan thế giới 19/4 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của gan trong điều hòa khả năng miễn dịch, trao đổi chất và tiêu hóa.

Cần biết biện pháp phòng ngừa và chăm sóc để gan luôn khỏe mạnh. (Ảnh: Medanta Hospital)

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để duy trì sức khỏe của gan, cần phải hiểu nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị bệnh gan. Ngoài ra cần biết biện pháp phòng ngừa và chăm sóc để gan luôn khỏe mạnh.

Lưu ý phát hiện bệnh gan sớm

Trang CNN News18 dẫn lại chia sẻ từ tiến sĩ Naveen Ganjoo, chuyên gia tư vấn về gan tại Bệnh viện Aster RV (Ấn Độ), cho biết hầu hết vấn đề về thể chất và bệnh tật đều có thể dễ dàng nhận thấy vì các triệu chứng xuất hiện ngay lập tức. 

Trong khi đó, các vấn đề về gan chỉ xuất hiện ở giai đoạn nặng của bệnh, thường phải phẫu thuật, cấy ghép và đôi khi dẫn đến tử vong.

"Vì gan có thể hoạt động ngay cả khi 70% bị tổn thương, nên mọi người không nhận ra sự nguy hiểm của bệnh gan, cho đến khi mọi thứ đã muộn", ông giải thích.

Tiến sĩ Ganjoo nhấn mạnh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe gan, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm tra tổng quát sẽ giúp mỗi người chủ động bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh về gan.

Có nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sức khỏe gan. Uống quá nhiều rượu là nguyên nhân chính gây tổn thương gan, có thể dẫn đến các tình trạng như gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan.

Ngoài ra, viêm gan A, B và C là những bệnh viêm gan phổ biến nhất, lây truyền qua thực phẩm hoặc nước uống bị ô nhiễm, dịch cơ thể hoặc từ mẹ sang con trong khi sinh. Một số loại thuốc và chất bổ sung, bao gồm acetaminophen, statin và kháng sinh cũng có thể gây hại cho gan, đặc biệt khi dùng trong thời gian dài.

Bên cạnh đó yếu tố di truyền có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan vì chúng tác động đến cách cơ thể lưu trữ và chuyển hóa chất béo. Những rối loạn này khiến gan lưu trữ quá nhiều đồng, sắt hoặc protein, dẫn đến tổn thương gan.

Cuối cùng, béo phì và mỡ thừa trong cơ thể cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan. Chất béo dư thừa tích tụ trong gan suốt thời gian dài có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), từ đó gây xơ gan, viêm và suy gan.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Bạn có thể giữ sức khỏe gan, ngăn ngừa bệnh gan bằng cách duy trì cân nặng khỏe mạnh - thông qua chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, cũng như tập thể dục thường xuyên. Hãy tiêu thụ thực phẩm có lợi cho gan như trái cây, rau xanh, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời tránh các thực phẩm không lành mạnh như chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, tránh mắc bệnh gan nhiễm mỡ.

Bên cạnh đó hạn chế uống rượu say để giữ cho gan khỏe mạnh. Uống quá nhiều rượu làm cơ thể mất nước, khiến gan khó loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể. Bạn cần tiêm vắc xin ngừa bệnh viêm gan A và B, giữ vệ sinh tốt và tránh tiếp xúc với chất dịch từ cơ thể bị nhiễm bệnh gan.

Điều trị bệnh gan phụ thuộc vào nguyên nhân mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng. Một số vấn đề có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống như điều chỉnh chế độ ăn uống, kiểm soát cân nặng và tránh uống rượu.

Các vấn đề khác có thể được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, trong những trường hợp nặng với tổn thương gan lan rộng, bác sĩ có thể đề nghị ghép gan. Đây là điều không ai mong muốn. Vì vậy, để tránh dẫn đến tình trạng nặng, cần chăm sóc và bảo vệ gan từ sớm.

Những việc chúng ta cần làm là nên ăn nhiều trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, gạo và các loại ngũ cốc như quinoa, kê và kiều mạch. Ưu tiên các loại rau lá xanh như bông cải xanh, súp lơ trắng, bắp cải, cà rốt, táo và quả óc chó. 

Bạn cũng có thể uống trà xanh và tránh trà sữa, đồng thời ưu tiên sử dụng dầu ô liu trong các bữa ăn./.

Theo tuoitre.vn

Nguồn: https://tuoitre.vn/ngay-gan-the-gioi-2024-an-gi-lam-gi-de-gan-luon-khoe-manh-20240419130209038.htm

Chia sẻ bài viết