Tuy nhiên, với những con người bình dị mà chúng tôi muốn nhắc đến trong bài viết này thì hạnh phúc của họ chính là được sẻ chia, giúp đỡ với những hoàn cảnh khó khăn mà không màng nhận lại. Đây cũng là nét đẹp của người dân Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), địa phương được mệnh danh là thành phố nghĩa tình.
20/3 hàng năm là ngày Quốc tế hạnh phúc
Sống bằng nghề chạy xe ôm, chỉ một thân, một mình và nhiều lúc thiếu trước, hụt sau, thế nhưng ông Vũ Xuân Minh ở số nhà 3189/54 Phạm Thế Hiển, phường 7, Quận 8, TPHCM lại được nhiều người quý mến bởi nghĩa cử cao đẹp của ông: Hiến máu cứu người. Từ năm 1994 đến nay, ông đã 79 lần hiến máu cứu người và hai lần ông vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Khi được hỏi quan niệm của ông về hạnh phúc, ông Vũ Xuân Minh chia sẻ: “Quan điểm của tôi là nhiều người giàu có, họ giúp đỡ mọi người bằng cho tiền, cho bạc và nhiều cách khác, còn tôi nghèo, không có tiền, có bạc, để giúp đỡ mọi người thì tôi cho bằng chính giọt máu của mình để cứu sống họ”.
Cũng với quan niệm như ông Vũ Xuân Minh: Hạnh phúc chính là cho đi, hạnh phúc chính là làm việc thiện, việc tốt, bà Nguyễn Thị Hiếu, ở khu phố 13, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ với người nghèo ở địa phương từ những đồng tiền lương hưu của mình và không quản ngại đi vận động các mạnh thường quân đóng góp giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua khốn khó. Ở tuổi 77, đã trải qua những tháng năm gian khổ đi làm cách mạng, từng sống trong cảnh bữa đói, bữa no, bà Hiếu cảm nhận được sự vất vả khó khăn của những người nghèo, đặc biệt là với những gia đình chính sách nghèo có công với cách mạng gặp phải.
Chính vì vậy, khi về hưu bà không ngơi nghỉ mà tham gia tích cực hoạt động xã hội ở địa phương. Bà đã cùng các thành viên trong tổ điều hành khu phố đi tìm hiểu từng hoàn cảnh gia đình nghèo xem họ cần những gì để chung tay, giúp sức. Tình cảm của bà thấm đượm từ những căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa, từng bữa cơm gia đình của người nghèo và cả những buổi khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con địa phương của các đoàn từ thiện mà bà đã vận động, kêu gọi giúp đỡ. Bà vui và hạnh phúc khi đi đến đâu cũng được bà con địa phương gọi với tên thân thương má Sáu. Hạnh phúc của má Sáu Nguyễn Thị Hiếu chính là những việc làm tốt ngày càng được nhân rộng.
Má Nguyễn Thị Hiếu chia sẻ: “Bây giờ tôi làm chuyện nhỏ, chia sẻ bằng tình thương, chia sẻ khó khăn với của người dân, với gia đình chính sách. Đồng thời tôi làm cái này thể hiện đền ơn đáp nghĩa và được nhân rộng ra để có nhiều người làm, nhiều nơi làm”.
Còn cô Đinh Thị Kim Phấn, giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu ở TPHCM đã 8 năm gắn bó với các bệnh nhi ung thư ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM thì đã nhiều lần chạnh lòng muốn từ bỏ lớp học khi nghe không ít lời đàm tiếu: Cô đến dạy học cho các bệnh nhi ung thư là muốn nổi tiếng! Thế rồi, nỗi niềm ấy cũng qua đi khi mỗi ngày đến lớp, cùng học, cùng chơi với các em cô cảm nhận được khát vọng sống và tuổi thơ hồn nhiên của các bệnh nhi ung thư không biết mình sẽ ra đi bất cứ lúc nào.
Hiện nay, lớp của cô có khoảng 350 bệnh nhi thường xuyên đến lớp theo học. Hai năm một lần, cô lại mang những quyển vở mà cô đã phát cho các em trong lớp học kiểm tra lại, những ai không đến lớp nữa, cô lại xếp vào một chỗ, lặng lẽ chờ đợi và hy vọng những phép màu đến với các em. Chồng vở ấy nhiều năm qua đã lên đến con số 600-700 quyển.
Khi được hỏi hạnh phúc nhất của cô là gì, cô Đinh Thị Kim Phấn xúc động: “Tới bệnh viện thấy các em đừng chờ sẵn ở ngoài cửa, vừa trông thấy cô là các em mừng hét lên: Cô Phấn, cô Phấn tới kìa, cô Phấn tới kìa! rồi chạy tới xách giỏi phụ cô, lăng xăng ríu rút. Nhiều khi mình nghĩ mình chỉ cần bỏ một ít thời gian như vậy thôi mà mình đã đem nhiều niềm vui đến cho các trẻ em bất hạnh như vậy nên lại tiếp tục đến lớp”.
Hạnh phúc của những người như ông Vũ Xuân Minh, bà Nguyễn Thị Hiếu, cô Đinh Thị Kim Phấn không gì xa vời mà chính là tình thương và sự sẻ chia của bản thân với những người khác, nhất là những người bất hạnh trong xã hội. Quan niệm về hạnh phúc ấy của họ cũng đang ngày càng lan tỏa và nhân rộng để cuộc sống xã hội ngày càng tốt đẹp hơn./.
Cao Thoa/VOV -TPHCM