Tiếng Việt | English

22/06/2018 - 20:00

Nghề báo cần lắm ngọn lửa đam mê!

Đam mê là một yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ công việc nào nếu bạn muốn đi đến thành công. Với nghề báo - một công việc không chỉ có hào quang mà còn rất nguy hiểm và đầy cám dỗ thì ngọn lửa đam mê càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Nhà báo Thanh Nga (Báo Long An): Đừng để niềm tin vụt tắt!

Nghề báo đến với tôi thật vô cùng lạ lẫm và bất ngờ, như là “định mệnh” sắp đặt sẵn cho cuộc đời mình vậy. Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Quảng Nam, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi lại chọn về miền Tây công tác. Lúc mới về tòa soạn, nhìn cái mặt “non choẹt” cùng với vẻ nhút nhát của tôi, sếp phán một câu “nhìn hiền quá sao làm báo đây con”! Nhưng rồi được sự hỗ trợ của Ban Biên tập, quản lý phòng và những anh chị đồng nghiệp, tôi chập chững những bước đi đầu tiên trong cuộc đời làm báo. 

Nhà báo Thanh Nga: “Nghề báo đến với tôi thật vô cùng lạ lẫm và bất ngờ”

Nhà báo Thanh Nga: “Nghề báo đến với tôi thật vô cùng lạ lẫm và bất ngờ”

Nghề báo giúp tôi dần thay đổi cách sống và suy nghĩ của mình. Mỗi một chuyến đi, một mảnh đời hay một nhân vật từng tiếp xúc đều cho tôi những bài học bổ ích riêng. Nếu như không có những chuyến đi thực tế, được gặp, được nghe và trò chuyện, có lẽ tôi vẫn mãi là một con người không trưởng thành trong suy nghĩ và hành động. 

Sau tất cả, tôi nhận thấy mình là người may mắn khi có những người bạn tốt, lãnh đạo thấu hiểu, môi trường làm việc thân thiện. Đặc biệt có sự hỗ trợ rất lớn từ một đồng nghiệp, đó là chồng tôi. Nghề nào cũng vậy, cũng có những buồn, vui nhất định nên anh luôn khuyên tôi: “Nghề báo gian khổ, nguy hiểm, có khi tủi cực nhưng do em chọn, không ai ép. Nếu đã mang “nghiệp” vào thân rồi thì phải yêu nghề, đi cho đến cuối con đường”.

8 năm trong nghề, tuổi đời và tuổi nghề của tôi cũng chưa là gì so với các đồng nghệp khác. Tôi tự nhủ mình phải cố gắng thật nhiều. Nghề báo cho tôi được trải nghiệm, có thêm vốn sống. Với tôi, nghề báo vốn đơn giản như bao nghề chân chính khác, cũng có những khó khăn, vất vả riêng. Quan trọng là mình biết tự vươn lên, đừng để vụt tắt niềm tin thì lửa nghề vẫn cháy!

Nhà báo Mỹ Yến (Đài Phát thanh và Truyền hình Long An): Nghề báo đâu chỉ có những khó khăn

Người ta thường nói nữ mà làm báo thì vô cùng vất vả, phải đánh đổi nhiều thứ, bản thân tôi cảm thấy nhận định này rất đúng. Đánh đổi đầu tiên đó là da mình luôn xấu, vì thường xuyên phải làm việc ngoài nắng. Thứ hai là thức khuya, dậy sớm, không có khái niệm ngày nghỉ, luôn trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp. Thứ ba là cám dỗ và nguy hiểm. Để vượt qua và trụ vững với nghề thì chỉ có một sức mạnh duy nhất, đó là đam mê. 

Nhà báo Mỹ Yến (thứ 2, trái qua) cùng tác nghiệp với đồng nghiệp

Nhà báo Mỹ Yến (thứ 2, trái qua) cùng tác nghiệp với đồng nghiệp

Tôi chính thức đến với nghề báo đến nay gần 7 năm nhưng ước mơ được trở thành nhà báo thì từ khi còn là học sinh lớp 8. Trong tưởng tượng của tôi lúc ấy, nghề báo chỉ đơn giản là “làm việc nghĩa” nhưng khi bước vào nghề mới thấy, để làm tròn được 3 chữ này rất khó. Còn nhớ lúc mới vào nghề, đi quay phóng sự phản ánh việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo, vừa thấy mình tới, giới thiệu là phóng viên thì chú nông dân mắng té tát vào mặt “báo chí cứ la rần rần chất cấm chất gì đó, làm bây giờ thịt heo không ai dám ăn, giá thịt heo sụt thê thảm, về đi, không có nói năng gì hết!”. Nghe xong muốn rớt nước mắt, mình có làm gì đâu mà bị mắng! 

Một lần khác, đi quay ở chợ Thủ Thừa, tiểu thương manh động vì địa phương quy hoạch chợ mới nhưng họ không đồng ý. Trước đó, họ từng đập máy quay của một đồng nghiệp ở địa phương. Khi tôi và anh quay phim vừa bước xuống xe thì họ kéo lại làm dữ, không cho quay. Cũng may chính quyền địa phương đến can thiệp kịp thời, vậy là được giải vây và bắt đầu tác nghiệp. Phóng sự phát lên đài, họ theo dõi và điện thoại mắng những câu rất khó nghe. Vậy đó, làm báo gặp không ít sự cố nhưng đã chọn thì phải chấp nhận. 

Nghề báo đâu phải lúc nào cũng khó khăn, vất vả mà còn có rất nhiều hạnh phúc, rất nhiều niềm vui khi giúp học sinh nhận được học bổng, là cầu nối để khán giả biết và ủng hộ những mảnh đời bất hạnh, giúp phản ánh khó khăn của nông dân đến chính quyền và được giải quyết,... Chính những niềm vui ấy giúp tôi vượt lên tất cả, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt công việc của mình.

Phóng viên Ngọc Hân (Đài Truyền thanh huyện Thủ Thừa): Đến với nghề bằng cái duyên

Khi còn nhỏ, tôi không nghĩ sau này mình trở thành nhà báo, nhưng có lẽ tôi thật sự có duyên với nghề báo. Còn nhớ lần đầu tiên viết báo, lúc ấy, tôi chỉ mới là cô sinh viên của Trường Cao đẳng Phát thanh và Truyền hình đi thực tập, được phân công viết bài về buổi lễ trao tặng nhà tình thương. Nhìn nét mặt vui mừng, hạnh phúc và sự biết ơn của một bà cụ khi được nhận nhà, tôi cảm thấy nghề báo thật sự ý nghĩa. Báo chí chính là một chiếc cầu nối giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, mang đến niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người. Từ đó, tôi thêm yêu nghề báo và quyết tâm theo đuổi công việc mình đã chọn.

Nhà báo Ngọc Hân kiểm tra tin, bài, biên tập chương trình

Nhà báo Ngọc Hân kiểm tra tin, bài, biên tập chương trình

Đối với tôi cũng như các phóng viên đang công tác tại Đài Truyền thanh huyện thì niềm vui rất nhiều và nỗi buồn cũng không ít. Mặc dù viết báo nhưng lại không được công nhận là nhà báo, không được cấp thẻ nhà báo, vì vậy, đôi khi trong tác nghiệp, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vì thiếu người nên phóng viên đài huyện thường kiêm nhiều công việc, từ quay phim, dựng phim cho đến viết và đọc tin, bài. Tuy nhiên, với niềm đam mê và lòng yêu nghề, tôi cùng các đồng nghiệp cố gắng vượt qua, kịp thời phản ánh những vấn đề bức xúc của xã hội cũng như đưa hơi thở cuộc sống vào từng bài viết. 

Để có những tác phẩm báo chí chất lượng, thu hút sự quan tâm của độc giả, trước tiên người làm báo phải có niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề, không ngừng tìm tòi và sáng tạo trong cách thể hiện. Muốn thế, nhà báo không thể ngồi một chỗ để “nặn” ra một đề tài, một bài viết mà phải đi thực tế. Với tôi, nghề báo là công việc vất vả nhưng mang lại nhiều trải nghiệm thú vị mà không phải nghề nào cũng có. Cái được lớn nhất chính là được đi nhiều, biết nhiều, tiếp xúc nhiều, từ đó rèn luyện cho tôi tính cách mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với những thử thách để được cống hiến nhiều hơn và sống hết mình với đam mê.

Có người đến với nghề bằng cái duyên, cũng có người thích khám phá, muốn “làm việc nghĩa” giúp ích cho đời nhưng rồi càng làm, họ lại càng đam mê. Và chính niềm đam mê ấy đã thắp lửa cho những nhà báo tiếp tục đồng hành với cây viết, máy quay,... mang đến cho độc giả, khán giả những “món ăn tinh thần” bổ ích./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết