Tiếng Việt | English

14/09/2016 - 14:36

Nghề hộ lý - Lắm rủi ro nhưng nhiều ý nghĩa

Nghề hộ lý là một nghề cao quý, mỗi cán bộ y tế, dù ở chức danh nào cũng đều có một vị trí, công sức đóng góp khác nhau trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Khi nhắc đến bệnh lao, nhiều người vẫn còn cái nhìn e dè, ngại tiếp xúc với bệnh nhân. Thế nhưng, những hộ lý tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An vẫn ngày đêm miệt mài hoàn thành nhiệm vụ, tận tụy chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình.


Hộ lý Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An tận tình giúp đỡ bệnh nhân

Hộ lý Nguyễn Thu Thủy cho biết: “Tôi công tác tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi được 7 năm. Công việc không quá nặng nhọc nhưng nguy cơ lây nhiễm rất cao khiến tôi chán nản trong những ngày đầu. Tuy nhiên, nhờ có sự động viên của lãnh đạo bệnh viện cùng các đồng nghiệp, những lời cảm ơn của bệnh nhân và người thân của họ là động lực để tôi tiếp tục đến hôm nay”.

Một trong những hộ lý có thời gian công tác lâu năm tại bệnh viện là chị Đặng Thị Ngọc Ánh. Hơn 16 năm gắn bó với công việc này, chị “góp nhặt” cho mình rất nhiều kỷ niệm dù vui hay buồn, tất cả đều là hành trang quý báu để chị gắn bó với nghề. Chị Ánh cho biết: “Có tận mắt tiếp xúc, làm việc mới thấy và “thấm” được cảm giác của bệnh nhân khi bị chính người nhà của mình xa lánh. Nếu các y, bác sĩ, nhân viên cũng ngán ngại thì làm sao họ đủ sức khỏe, vững tinh thần để chống chọi với bệnh tật!”.

Dù làm việc trong môi trường đặc thù và nguy hiểm, tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân bị lao phổi nặng, thậm chí là bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối nhưng các hộ lý tại bệnh viện đều cố gắng động viên tinh thần để bệnh nhân có thêm nghị lực vượt qua bệnh tật. Hạnh phúc của các chị là được nhìn thấy họ thoát cơn nguy kịch, ổn định sức khỏe để sớm sum họp cùng gia đình.


Hằng ngày, các hộ lý phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe 

Bà Thiềm Thị Đạt, người nhà bệnh nhân Lê Văn Dực (ở phường 5, TP.Tân An) bị lao phổi, đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cho biết: “Bên cạnh sự tận tụy của các y, bác sĩ, các hộ lý rất vui vẻ, hòa nhã, thường xuyên giúp đỡ tôi chăm sóc người bệnh. Không chỉ vậy, có thời gian rảnh, các cô còn động viên, chia sẻ với bệnh nhân như người thân của mình”.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” - Đúng vậy, mỗi cá nhân, nghề nghiệp trong xã hội đều có vai trò quan trọng như nhau, không có sự phân biệt sang, hèn, cao quý hay thấp kém. Dù phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, nhưng với họ, lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cùng cái tâm trong nghề, tình yêu thương giữa người với người chính là “sợi dây” vô hình gắn kết họ gắn bó cùng công việc lặng thầm mà đầy ý nghĩa./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết