Người dân vẫn gắn bó với nghề rèn có từ lâu đời ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa
Nỗ lực để sống được với nghề
Nghề rèn ở xã Nhị Thành có từ lâu đời. Vào thời “hoàng kim” (những năm 1980), toàn xã có trên 100 lò rèn chuyên làm cuốc, xẻng, dao búa, liềm, phảng và nhiều loại nông cụ, dụng cụ. Từng xóm, ấp chia ra làm những loại nông cụ đặc trưng như cuốc, xẻng tại ấp 5 (trước đây gọi ấp là Bình Bát); rèn búa, dao tại ấp 4 (ấp Cầu Bông); dao, búa, lưỡi máy xới tại ấp 3 (ấp Cầu Móng);...
Được biết, vào giai đoạn khó khăn, nhiều hộ vẫn không bỏ nghề mà tiếp nối truyền thống cha ông, điển hình là hộ anh Bùi Huy Bảo và chị Nguyễn Thị Nhẫn (ấp 5) chuyên làm cuốc, xẻng và hộ anh Nguyễn Văn Liêm (ấp 4) chuyên làm búa, dao (xưởng Tư Lò Búa). Ngoài ra, còn có hộ ông Út Nhật (ấp 4), nay đã trên 80 tuổi, con cháu vẫn tiếp nối nghề. Trên địa bàn xã, nghề rèn vẫn tạo việc làm cho hơn 40 hộ dân và cả trăm lao động.
Chị Nguyễn Thị Nhẫn - chủ cơ sở sản xuất có 5 nhân công, chia sẻ: “Để cạnh tranh và được bạn hàng tin tưởng, chúng tôi phải đầu tư máy móc và làm mới sản phẩm, phù hợp yêu cầu khách hàng”. Đến nay, sản phẩm tại làng nghề rèn xã Nhị Thành còn vươn xa đến các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ vì có chất lượng, giá cả phải chăng. Các sản phẩm đều đóng dấu của cơ sở sản xuất.
Cần sự hỗ trợ để phát triển
Anh Nguyễn Văn Liêm (ấp 4) cho biết, trước đây, gia đình tôi làm thủ công nên sản phẩm không thể cạnh tranh với những nơi khác. Gia đình bắt đầu đầu tư máy móc, nhất là từ khi được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương hỗ trợ 50% kinh phí mua máy điện đốt lò nung thay vì lò than như trước đây thì năng suất tăng lên mà chi phí đầu tư giảm một nửa. Ngoài ra, việc sử dụng lò nung điện không gây ô nhiễm môi trường, được làng nghề rèn ưa chuộng.
Đầu tư máy móc trong sản xuất (Trong ảnh: Lò rèn của hộ anh Nguyễn Văn Liêm đã đầu tư máy nung sắt chạy điện nhằm tăng năng suất, tiết kiệm chi phí và không ô nhiễm môi trường)
Chị Nguyễn Thị Nhẫn thì mong được Nhà nước hỗ trợ để mua lò nung điện vì hiện gia đình chị vẫn sử dụng lò đốt bằng than, phải để xa nhà dân để tránh ảnh hưởng.
Anh Liêm cho biết thêm: “Con của tôi còn lên mạng giới thiệu sản phẩm và được một Việt kiều Úc đặt mua khá nhiều nông cụ. Tuy nhiên, do làm ăn nhỏ, lẻ nên chưa dám ký hợp đồng vì không cung cấp đủ số lượng cho bạn hàng”.
Nhiều hộ làm nghề rèn còn e ngại khi tham gia tổ hợp tác và hợp tác xã. Họ cho biết, đã có nhiều mô hình liên kết nhưng do nhiều yếu tố vẫn chưa thành công, hiện nay, người dân làng nghề chủ yếu tự ai nấy “bơi”. Anh Nguyễn Nhân Thế - làm nghề rèn tại ấp 4, chia sẻ: “Hiện nay, tôi muốn mua máy dập lưỡi dao nhưng chưa có kinh phí”.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam xã Nhị Thành - Nguyễn Tú Em cho biết: “Hiện toàn xã còn hơn 40 hộ tiếp nối nghề rèn, tạo việc làm cho gần 100 lao động, trong đó có khá nhiều hộ có lò rèn lớn, thuê mướn nhiều nhân công. Khó khăn nhất hiện nay là nhiều hộ chưa được đầu tư máy móc hiện đại, chủ yếu vẫn làm thủ công. Sắp tới, hội và các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục vận động hộ sản xuất cá thể liên kết thành lập tổ hợp tác và hợp tác xã, đồng thời hỗ trợ các hộ có thể vay vốn sản xuất từ các ngân hàng”.
Đặc biệt, Hội Nông dân sẽ phối hợp UBND xã và các cơ quan chức năng vận động, hỗ trợ các hộ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nghề rèn.
Nghề rèn vẫn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương
Như vậy, việc gắn kết giữa các hộ trong cùng một làng nghề chưa tốt do tâm lý “mạnh ai nấy làm”, việc đầu tư máy móc còn gặp khó do thiếu vốn và e ngại nhiều thủ tục, đây là hai vấn đề khó cho làng nghề phát triển để theo kịp nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Theo UBND xã Nhị Thành, năm 2018, làng nghề rèn của xã có 4 người được công nhận thợ giỏi: Phạm Hữu Chiến (SN 1951), ngụ ấp 3; Bùi Huy Bảo (SN 1973), ngụ ấp 5; Nguyễn Nhân Thế (SN 1980) và Trần Văn Nghiêm (SN 1976), cùng ngụ ấp 4. Năm 2019, xã tiếp tục đề nghị công nhận thợ giỏi cho ông Đinh Văn Năm (SN 1964), ông Bùi Gia Bảo (SN 1967) và ông Huỳnh Văn Bình (SN 1958), đều ngụ ấp 3./.
Lâm Đỗ