Tiếng Việt | English

05/06/2017 - 18:10

Nghĩa trang Trường Sa

Ngoài vùng biển, đảo Trường Sa của Việt Nam có một nghĩa trang đặc biệt. Đó là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận “Hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988”.

Lễ tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa hy sinh trên biển

Gọi là nghĩa trang đặc biệt, bởi 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh đều không có phần mộ như trên đất liền, cũng không xếp thứ tự theo dãy trước sau, mà mộ của các anh là những ngọn sóng bạc đầu, là nhành san hô nằm tận biển sâu.

Được sự quan tâm, chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần cho quân, dân Trường Sa của Đảng, Nhà nước; hằng năm quân chủng Hải quân tổ chức từ 20-22 đoàn khách thuộc các cơ quan trên mọi miền đất nước ra thăm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.

Một việc không thể thiếu trong tất cả các chuyến hải trình đến “quần đảo bão tố” này là dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa trên vùng biển Cô Lin trong cụm đảo Sinh Tồn - vùng biển, đảo mà 29 năm trước, những người lính thủy của Trung đoàn 83 Công binh Hải quân và Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ đã bị tàn sát dưới họng súng quân thù. Các anh ngã xuống để kê nền Tổ quốc Việt Nam thêm cao giữa đại dương bao la. Xương cốt các anh đã hóa san hô, máu đào các anh đã hòa vào biển mặn, linh hồn các anh đã thành gió, thành khúc quân ca Trường Sa bất tử trên biển.


Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa hy sinh trên biển

Bên cạnh tri ân những chiến sĩ Trường Sa đã ngã xuống vì bình yên chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, lễ tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa trên biển là thời khắc thiêng liêng để giáo dục lòng yêu nước, yêu biển, đảo của thế hệ trẻ Việt Nam. Thả hoa tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa đã trở thành nghi thức, thông lệ không thể thiếu trong mỗi chuyến hải trình và nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt.

Bên cạnh nghĩa trang đặc biệt trên biển, quần đảo Trường Sa còn có những “nghĩa trang tạm” ở các đảo, điểm đảo. Đó là nơi “nghỉ tạm” của cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc lao động xây đảo. Gọi là “nghĩa trang tạm” bởi sau thời gian nằm lại Trường Sa, xương cốt các liệt sĩ được về đất liền an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ. Ở “nghĩa trang tạm” này, có cả những ngư dân chẳng may gặp nạn trên biển cũng được chôn cất ở đây.

Cũng như “nghĩa trang đặc biệt trên biển”, triệu triệu người dân đất Việt và kiều bào nước ngoài mỗi lần đặt chân đến đảo chìm Cô Lin, Đá Lát, Len Đao, hay đảo nổi Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết đều không quên thắp hương tri ân các liệt sĩ và những ngư dân nằm tạm ở nghĩa trang này./.

Mai Thắng

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích