Cánh đồng lúa tại xã Ia Ka, huyện Chư Păh, chết khô vì thiếu nước. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Nước là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người, do đó, việc đáp ứng nhu cầu về nước là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.
Bên lề hội thảo “Đổi mới công nghệ gắn với sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả” diễn ra ngày 18/3, tại Hà Nội, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Ngô Văn Mơ, Phó Cục trưởng, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ về những ứng dụng khoa học công nghệ trong sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, những ứng dụng này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong xu thế nguồn tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt, đặc biệt hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc nghiên cứu sử dụng công nghệ tiết kiệm nước rất quan trọng, xin ông cho biết xu hướng nghiên cứu công nghệ ở Việt Nam hiện nay.
Tiến sỹ Ngô Văn Mơ: Số liệu thống kê cho thấy cứ 25 năm, nhu cầu nước ngọt trên toàn thế giới tăng gần hai lần do quy mô tăng dân số (dự báo 9 tỷ người vào năm 2050). Trong số đó, 74-85% nước được dùng cho sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ nước tưới trong nông nghiệp có xu hướng giảm, trong sinh hoạt và năng lượng tăng.
Điều này cho thấy nguồn tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, hiệu quả sử dụng thấp, nguồn nước ô nhiễm, lũ lụt, hạn hán, các hiện tượng xâm nhập mặn cũng như biến đổi khí hậu, nước biển dâng...
Tình trạng thiếu nước sạch đã, đang và sẽ còn nghiêm trọng hơn trong tương lai, do đó việc tái sử dụng nước thải nhất là nước thải công nghiệp được chú trọng, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều nước.
Kịch bản xấu về biến đổi khí hậu làm cho Việt Nam thiếu nước trầm trọng. Hiện nay, hạn hán và xâm nhập mặn, nước biển dâng tại Đồng bằng sông Cửu Long đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của hàng chục triệu người dân và mọi hoạt động sản xuất. Không lâu nữa, dự báo cư dân các vùng sử dụng nước giếng khoan và nước ngầm sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Do đó, việc chỉ đạo các hướng nghiên cứu và các chính sách hỗ trợ nghiên cứu đã được quan tâm ở tất cả các cấp từ Chính phủ tới các bộ, ngành.
Ngày 8/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2015/NĐ-CP quy định ưu đãi về vay vốn, miễn, giảm thuế đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2015. Nhiều công nghệ mới hứa hẹn sẽ biến nước thải thành một nguồn tài nguyên cho thế hệ năng lượng mới và nguồn nước uống. Người ta chế tạo các thiết bị nhỏ gọn, năng lượng thấp kích hoạt phân hủy bùn, loại bỏ các chất dinh dưỡng hữu cơ để làm sạch nước thải. Các thiết bị ngày càng thu nhỏ về kích thước cho phép lắp đặt các tổ hợp di động thích nghi với vùng đô thị khan hiếm đất.
Nguồn tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt do nhu cầu sử dụng tăng, hiệu quả sử dụng thấp, nguồn nước ô nhiễm, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn cũng như biến đổi khí hậu, nước biển dâng... nên thời gian tới cần tập trung vào phát triển các công nghệ duy trì và sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nước ngọt hiện có và tạo nguồn nước ngọt mới từ nước biển.
Hướng nghiên cứu tập trung đào tạo và phát triển các công nghệ nhằm tái tạo, tái sử dụng và giảm thiểu việc sử dụng nước ngọt cho tưới, sinh hoạt và sản xuất năng lượng nói riêng, cho sản xuất nói chung đồng thời, nghiên cứu phát triển các công nghệ có giá thành thấp việc tách muối, lọc mặn nước biển thành nước ngọt.
Các hoạt động tiết kiệm và tìm kiếm nguồn nước sạch mới được triển khai thế nào, thưa ông?
Tiến sỹ Ngô Văn Mơ: Trong bối cảnh nhiều khu vực của Việt Nam đang hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, đòi hỏi Việt Nam tìm kiếm giải pháp công nghệ nhằm mục tiêu tiết kiệm và tái sử dụng nước. Điển hình, tại các tỉnh Tây Nguyên, để tưới nước cho 1ha càphê thì phải tốn khoảng 5 triệu đồng/năm, gây nhiều áp lực lên giá thành sản phẩm, trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể giảm khối lượng nước tưới bằng việc áp dụng công nghệ vi tưới đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng, mà hiệu quả vẫn đạt được như phương pháp thông thường.
Tại Công ty Cổ phần quốc tế Sơn Hà, những năm qua, doanh nghiệp đã tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng sản xuất những sản phẩm công nghệ cao trong chuỗi chu trình nước khép kín: khai thác; lưu trữ nước sạch; sử dụng; nước thải. Hiện tại, những sản phẩm của Sơn Hà có giá thành phù hợp đã góp phần giúp người tiêu dùng trên cả nước sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội đã nghiên cứu, phát triển và nhân rộng các hệ thống thu gom, xử lý, sử dụng nước mưa phù hợp, cung cấp cho các khu vực dân cư đô thị và nông thôn được nhiều doanh nghiệp, cơ quan trực tiếp kết nối và hợp tác trong thời gian tới.
Việt Nam cũng cần nghiên cứu xu hướng thế giới đang phát triển các công nghệ duy trì và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. Các công nghệ đang được phổ biến hiện nay gồm: Công nghệ xử lý nước thải; công nghệ ôxy hóa nâng cao; công nghệ màng; công nghệ hấp thụ; công nghệ trao đổi ion; công nghệ xử lý điện hóa; công nghệ sinh học; công nghệ xử lý nước uống; công nghệ lọc nước biển; công nghệ thủy lợi thông minh; công nghệ tưới tiết kiệm nước; công nghệ vi tưới…
Hiện các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả cũng như những hoạt động đầu tư sản xuất, nhập khẩu thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm được hưởng ưu đãi như thế nào, thưa ông?
Tiến sỹ Ngô Văn Mơ: Theo Nghị định, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là việc áp dụng các biện pháp, công nghệ để tuần hoàn, tái sử dụng nước, thu gom nước mưa, xử lý nước lợ, nước mặn thành nước ngọt để sử dụng hoặc để hạn chế lượng nước sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Ưu đãi cho tổ chức đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp hạng mục công trình để thu gom, xử lý nước thải có quy mô từ 40 m3/ngày đêm trở lên, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước phù hợp với mục đích được tái sử dụng; tổ chức đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp, đầu tư chiều sâu hạng mục công trình để sử dụng nước tuần hoàn cho các hoạt động của đơn vị với quy mô từ 500 m3/ngày đêm trở lên...
Nông dân tưới nước cho ruộng dưa. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)
Ưu đãi cho các tổ chức đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, dự trữ vào bể chứa có dung tích từ 500 m3 trở lên để sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại các vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước ngọt; hộ gia đình, cá nhân xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, dự trữ vào bể chứa có dung tích từ 5 m3 trở lên để sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng khan hiếm nước ngọt.
Ưu đãi cho các tổ chức đầu tư xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị, áp dụng công nghệ khử muối từ nước lợ, nước mặn thành nước ngọt có quy mô từ 02 m3/ngày đêm trở lên đối với vùng biển, hải đảo, từ 10 m3/ngày đêm trở lên để sử dụng cho mục đích sinh hoạt đối với các vùng bị xâm nhập mặn; hộ gia đình, cá nhân lắp đặt thiết bị, áp dụng công nghệ khử muối từ nước lợ, nước mặn thành nước ngọt, có quy mô từ 0,2 m3/ngày đêm trở lên đối với vùng biển, hải đảo, từ 1 m3/ngày đêm trở lên để sử dụng cho mục đích sinh hoạt đối với các vùng bị xâm nhập mặn để sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
Đặc biệt, ưu đãi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân áp dụng công nghệ, kỹ thuật, biện pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp với quy mô từ 0,5 ha trở lên đối với tưới lúa nước, 1ha trở lên đối với tưới cây trồng cạn cũng được hưởng ưu đãi.
Ưu đãi đối với hoạt động đầu tư sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm. Theo đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất sản phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm đáp ứng tiêu chí tiết kiệm nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành được vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước; được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập có được từ hoạt động đầu tư sản xuất sản phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm theo quy định của pháp luật về thuế.
Đồng thời, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm, thiết bị, công nghệ tiên tiến sử dụng nước tiết kiệm mà trong nước chưa sản xuất được đáp ứng tiêu chí tiết kiệm nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành được miễn, giảm thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế.
Nước là nguồn tài nguyên vô giá và thiết yếu không phải là vô tận, ngày càng cạn kiệt.Vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan, nguồn tài nguyên này ngày càng khan hiếm. Không một quốc gia nào có thể giải quyết vấn đề một cách đơn phương.Các nhà khoa học có trách nhiệm lớn trong các hướng nghiên cứu góp phần sử dụng nước một cách tiết kiệm và hiệu quả phục vụ phát triển đất nước một cách bền vững./.
Trân trọng cảm ơn ông!