Tiếng Việt | English

02/03/2016 - 09:05

Đồng bằng sông Cửu Long mùa hạn mặn: ''Khát'' trên vùng sông nước

(Ảnh minh họa. Duy Khương/TTXVN)

Hàng năm, Đồng bằng sông Cửu Long đón trên 500 tỷ m3 nước, cung cấp lượng phù sa màu mỡ; đồng thời giúp tháo chua, rửa phèn, làm vệ sinh đồng ruộng và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Năm nay, tình trạng khô hạn, thiếu nước diễn ra ngay cả mùa lũ đang khiến nơi nơi trong vùng “khát nước ngọt."

Nước trữ không còn

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mùa mưa đến trễ, kết thúc sớm, tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-50%. Mực nước thượng nguồn sông Mekong tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong 90 năm qua nên mùa khô 2015-2016 tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu nước ngọt trầm trọng.

Bữa cơm trưa của hai vợ chồng bà Trần Thị Nở (ở ấp Tư, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) chỉ có mấy miếng lạp xưởng, ít rau xà lách và chén nước mắm. Tất cả đều được mua ở chợ xã cách nhà khoảng 3km. Bà Nở cho biết, năm nay mưa chấm dứt sớm, con sông Cái Lớn trước nhà thì phèn mặn nên không trồng được loại rau nào. Vài chục con gà nuôi cũng không có nước để uống. Đồ ăn, thức uống giờ phải mua ở chợ.

Bà Nở lo lắng bởi đã trữ nước mưa để ăn uống trong năm cái thùng thì nay cũng đã dùng gần hết, chỉ còn vẻn vẹn chừng 20 lít. Mấy năm trước, phải đến tháng Ba thì nhà bà mới hết nước mưa để uống, năm nay, mới tháng Một đã gần hết sạch nước mưa, lại nghe dự báo mùa mưa đến muộn nên có thể phải sử dụng nước phèn mặn. Nhà bà còn trữ được nước mưa chứ nhiều gia đình hàng xóm đã hết sạch từ lâu.

Gánh hai cái thùng lấy nước đã xỉn màu vì phèn mặn đi xuống ao trữ nước nhưng anh Trần Minh Sơn (ở ấp Sóc Léo, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) có phần ngập ngừng, không dám lấy nước tưới cho 1.000m2 ớt ba tháng tuổi. Anh cho hay con kênh trước rẫy ớt đã nhiễm mặn hoàn toàn, cả ao này cũng vậy bởi múc lên tưới thì phát hiện lá ớt bị khô, héo queo ngọn.

Nhà anh Sơn có hai vợ chồng và một đứa con hai tuổi. Cách đây hai năm, anh được ba mẹ cho ra ở riêng đồng thời giao cho 1.000m2 đất trồng màu. Năm trước, nhà anh trồng ớt từ tháng 12 năm trước đến tháng 2-3 năm sau là cho thu hoạch. Ngày nào cũng được vài chục kg ớt cho đến chớm mùa mưa mới hết nên cũng đủ trang trải cuộc sống. Năm nay, ớt chuẩn bị thu hoạch thì gặp đợt xâm nhập mặn, không còn nước tưới nên bắt đầu chết dần. Gia đình anh Sơn tính quay về “sống bám” ba mẹ.

Mắc cạn giữa đồng

Theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, độ mặn cửa Trần Đề, dọc sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng lớn nhất trong tháng 2/2016. Tại trạm Long Đức là từ 17-19 g/l; tháng 3-5 độ mặn dao động từ 20-23g/l. Vùng dự án Tiếp Nhật (Sóc Trăng) từ tháng 1/2016 trở đi đã khó khăn về nguồn nước sản xuất.

Cuối tháng Hai, Mặt Trời đỏ rực trên cánh đồng lúa xã Đại Ân 2. Sau thu hoạch, mặt ruộng nứt toác do khô hạn. Kênh Bà Kẹp chạy giữa cánh đồng vẫn lấp loáng nước nhưng đã nhiễm mặn hoàn toàn từ nhiều tháng nay. Cả cánh đồng mênh mông không còn sự sống. Cặp bên con kênh có hai ngôi nhà lá cũ kỹ, vài chiếc ghe mắc cạn, mấy con gà tìm kiếm thức ăn bên lòng kênh cạn trơ đáy.

Ông Thạch Khen nước da đen bóng cháy nắng đang ngồi hóng gió trước hai căn nhà lá. Trước nhà ông ở ấp Chợ nhưng mới dựng hai căn nhà lá ở đây hai năm nay. Một căn ông ở còn một căn nhốt bốn con bò khi trời tối. Bốn con bò ông mua đã hai năm với 55 triệu đồng và thả nuôi trên cánh đồng này. Hơn tháng nay, kênh Bà Kẹp bắt đầu nhiễm mặn nặng, mỗi ngày ông phải dùng ghe chở 50 lít nước ngọt từ trong chợ ra cho bò uống. Thế nhưng giờ kênh cũng cạn, ghe thuyền chở nước ngọt di chuyển khó khăn, ông chưa biết làm sao để lo nước ngọt mỗi ngày cho bốn con bò.

Muốn khoan giếng để lấy nước ngọt nhưng giờ cũng khó bởi ghe thuyền còn không đi được để vận chuyển thiết bị. Hơn nữa, có bao nhiêu tiền mặt ông đã để dành vận chuyển, mua nước ngọt cho bò uống. Nếu khoan cái giếng cũng phải mất 3,7 triệu đồng thì không còn tiền - ông Khen phân trần.

Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, mùa khô 2015-2016, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nước mặn sẽ xâm nhập vào nội đồng hầu hết các tỉnh, thành. Nhiều tỉnh, khu vực trước nay không hề bị mặn xâm nhập thì nay cũng chịu chung cảnh ngộ như tỉnh Vĩnh Long, huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang.

Dự báo trong thời gian tới, 1/2 đất nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang và tỉnh Kiên Giang sẽ bị mặn xâm nhập; toàn bộ diện tích đất nông nghiệp các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, một phần của Thành phố Cần Thơ, Long An sẽ bị nước mặn xâm nhập. Đặc biệt, khu vực Tân An, tỉnh Long An, nước mặn với độ mặn 10-12g/l có khả năng xâm nhập sâu vào nội đồng đến 85km trong tháng Năm nếu không có mưa cũng như các giải pháp phòng chống kịp thời./. 

Phạm Duy Khương/Vietnam+

Chia sẻ bài viết