Tiếng Việt | English

14/06/2022 - 13:46

Người Nhật ăn món 'đầm lầy' để giảm cân

Các thực khách thường có xu hướng "ăn bằng mắt", nhưng món "numa" (trong tiếng Nhật là đầm lầy) lại trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội, khi ngày càng có nhiều người đăng ảnh món ăn kiêng có hình thức bị xem là không mấy bắt mắt này.

Đầu bếp Yuki Azami và món numa

Đây là món ăn giúp nhiều người dân Nhật Bản có thể giảm cân mà vẫn no bụng.

Món numa gồm cháo gà và rau này là sáng kiến của vận động viên thể hình kiêm đầu bếp 35 tuổi Yuki Azami. Anh mong muốn mọi người có thể tận hưởng ăn uống mà vẫn giảm cân một cách từ từ nhờ chế độ lành mạnh này.

Anh Azami, với biệt danh "Shiny Azami", đã mở kênh riêng trên YouTube vào tháng 11/2018 nhằm chia sẻ các phương pháp tập luyện và bí quyết nấu numa. Kể từ khi ra mắt, các video của anh đã thu hút hơn 100 triệu lượt xem.

Món numa chỉ cần 5 nguyên liệu cơ bản gồm gạo, ức gà, đậu bắp, rong biển khô và nấm hương. Mọi người chỉ cần cho tất cả những nguyên liệu này vào nồi cơm điện với nước, một ít muối và gia vị cà ri, bấm nút nấu và đợi chờ thành phẩm.

Numa chứa các thành phần dinh dưỡng cơ bản như protein, chất béo và carbohydrate. Anh Azami khuyến nghị công thức này cho những người ăn rất nhiều, nấu kém và những ai gặp khó khăn trong việc tuân thủ chế độ ăn kiêng.

Mặc dù Nhật Bản nằm trong số những quốc gia có tỉ lệ béo phì thấp nhất thế giới, song một tỉ lệ lớn dân số nước này vẫn cố gắng giảm cân vì lý do sức khỏe hay giữ dáng. Điều này đã góp phần khiến ngành sản xuất thực phẩm ăn kiêng ngày càng phát triển.

Theo công ty nghiên cứu Fuji Keizai Co có trụ sở tại thủ đô Tokyo, doanh số bán đồ ăn vặt chứa nhiều protein và các thực phẩm bổ sung đã tăng 25% so với mức 56 tỉ yen (415 triệu USD) vào năm 2011. Các hãng bán lẻ thành công đã nhanh chóng phát hiện và đi theo xu hướng thực phẩm mới nhất trên mạng xã hội để tăng doanh thu.

Tháng 6/2021, Towa Kanbutu Corp - nhà sản xuất thực phẩm khô tại Fujieda, thuộc tỉnh Shizuoka - đã hợp tác với anh Azami để ra mắt dây chuyền sản xuất mới, mà họ quảng cáo là món numa ăn liền chất lượng cao.

Tổng cộng công ty đã bán được hơn 10.000 sản phẩm chỉ trong 6 tháng, bao gồm cả những mặt hàng tương tự khác.

Các chuyên gia y tế cũng đánh giá chế độ ăn numa rất lành mạnh và hợp lý. Ayako Tada, nhà dinh dưỡng học giúp phát triển ứng dụng ăn kiêng Asken, nhận định món ăn này giúp tiết kiệm công sức chế biến và dễ kiểm soát lượng calorie nạp vào cơ thể.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo đây không phải biện pháp thay thế cho tất cả. Việc ăn cháo trong thời gian dài sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng, chẳng hạn như gây thiếu sắt và canxi.

Do đó, mọi người cần ăn đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo sức khỏe, tránh coi numa là nguồn protein duy nhất để thực hiện ăn kiêng. Chuyên gia này nhấn mạnh cách hiệu quả nhất là chỉ coi numa là món ăn sau giờ tập luyện, linh hoạt quay vòng cùng với chế độ ăn kiêng bình thường./.

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích