Tiếng Việt | English

15/09/2015 - 15:43

Người nông dân mê sáng tạo

Ông Trần Trọng Đức, ngụ ấp An Hòa 1, xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An là nông dân có tinh thần chịu khó học hỏi, đam mê sáng tạo và đã thành công với chiếc máy phun vôi giúp nông dân tiết kiệm được chi phí đầu tư, tăng thu nhập.

Từ những ý tưởng

Từ năm 1994-1996, ông Trần Trọng Đức tham gia học lớp quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng; sau này là các chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm của Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) và Hội Nông dân huyện Thủ Thừa tổ chức. Những chương trình này trang bị cho ông nhiều kiến thức cơ bản về trồng lúa như: Quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng, sử dụng thuốc BVTV theo phương pháp 4 đúng, phương pháp canh tác, giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nông sản, giảm tổn thất khi thu hoạch, hạn chế thuốc BVTV, bảo vệ môi trường sinh thái. Không những vậy, ông còn được tham gia các lớp cung cấp kiến thức BVTV ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và toàn quốc tại Hà Nội.

Ông chia sẻ: “Qua thực tế sản xuất cho thấy, nông dân còn lạm dụng quá nhiều thuốc BVTV, gây ô nhiễm môi trường, làm giảm hiệu quả và tính bền vững trong sản suất nông nghiệp, sâu bệnh vụ mùa sau diễn biến càng phức tạp, khó phòng trừ do kháng thuốc. Việc thường xuyên tiếp xúc, sử dụng thuốc BVTV sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người sản suất và người tiêu dùng. Tôi nhận thấy, nông dân ngày xưa thường dùng vôi rải trên cây trồng khi có sâu bệnh. Ngày nay, phương pháp này vẫn được dùng để phòng trừ dịch bệnh trong trồng trọt có hiệu quả. Tuy nhiên, rải vôi thủ công còn nhiều hạn chế như lượng vôi phải nhiều, không đều, không đến được nơi cần xử lý ảnh hưởng người rải (dễ bị bỏng rát).

Với vốn kiến thức đã học, tôi nảy ra ý tưởng làm máy phun vôi để giải quyết hạn chế trên. Tôi thử nghiệm làm máy vào năm 2010. Ban đầu, việc chế tạo máy gặp nhiều thất bại như bị kẹt và bị nghẹt. Bộ phận phun phải làm bằng thép không gỉ mới phù hợp”.

Công dụng của máy

Dần dần, được sự động viên của gia đình, đến năm 2013 máy phun vôi của ông cơ bản hoàn thiện. Qua quá trình sử dụng, nhiều nông dân trong xã và một số người ở ngoài tỉnh đã đặt hàng. Hơn nữa, loại máy phun này còn phun được cả phân và giống vì cấu tạo có 2 ngõ riêng.

Khi bán máy cho nông dân, ông hướng dẫn kỹ thuật, cách chọn lượng vôi phù hợp với từng loại cây trồng. Riêng đối với cây lúa, cần 40kg vôi cục/ha/lần, 1 vụ có thể sử dụng 300kg. Khi sử dụng vôi cho lúa đúng quy trình sẽ giảm chi phí phân bón 50kg kali/ha và thuốc trừ sâu bệnh 2 triệu đồng/ha/vụ.

Qua nhiều vụ triển khai, tổ giống nếp ở xã Bình An và một số nông dân trong huyện đã thực hiện trên 4 vụ. Những hộ này xây dựng quy trình phun vôi cho lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng để đạt hiệu quả cao nhất. Có 4 hộ thành công qua 3 vụ lúa không sử dụng thuốc trừ sâu, thực hiện phun vôi với 10ha.

Loại máy này còn ứng dụng được cho cà phê, thanh long, chanh, đu đủ,... và nhiều loại cây trồng khác.

Tính đến nay, ông đã bán được 45 máy, trong đó có 25 máy bán trả chậm và nhận được khoảng 80 đề nghị đăng ký mua. Ngoài ra, ông hoàn thành cải tiến 2 máy: 1 máy đánh đường nước ruộng và máy ép viên thức ăn chăn nuôi mini cho nông hộ,.../.

Thanh Nga

Nhờ số tiền tích lũy trong quá trình làm ăn, ông đã mua được thêm 2ha đất trồng cà phê tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông, có điều kiện nuôi 3 người con ăn học. Ông là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện; nhận nhiều giấy khen của huyện và của Hội Nông dân Việt Nam tỉnh, là một trong những điển hình tiên tiến cấp tỉnh giai đoạn 2010-2015.


 

 

Chia sẻ bài viết