Hơn 20 năm trước, trong một lần chở mẹ đi đám cưới, thấy 3 gốc cây nằm chỏng chơ giữa bãi lầy, ông Hai Còn (tên thật là Phạm Văn Tuấn, ngụ ấp 4, xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) liền cởi giày, xắn quần xuống săm soi, nghiên cứu. Mẹ ông mắng, bởi mấy gốc cây đó làm củi người ta còn chê. Vậy mà dưới bàn tay của người nghệ sĩ, chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, khi mang đi thi đấu đoạt nhiều giải thưởng.
Nghệ nhân Hai Còn (ấp 4, xã Long Sơn, huyện Cần Đước) đang tạo đế (Daiza) cho tác phẩm đá cảnh
Thời trẻ, dân trong vùng chỉ biết tiếng Hai Còn là người lái ghe, tài xế xe tải, thỉnh thoảng làm công trong trại chăn nuôi gà. Bởi vậy, khi ông chuyển hướng sang nghệ thuật gỗ lũa, ai cũng bất ngờ và không ít lời đàm tiếu vì hai nghề chẳng dính líu gì nhau. Nhưng khi có dịp chiêm ngưỡng, thưởng lãm những tác phẩm của người này, họ mới gật đầu tán dương, thán phục.
Gỗ lũa là phần lõi của gốc cổ thụ đã chết. Sau khi tìm được gốc cây ưng ý, nghệ nhân phơi để cây thật khô, nếu không sẽ nổi mốc. Đối với lõi cây bị mục phải rửa sạch, tránh chỗ mục lan rộng ra. Nghệ nhân dùng dụng cụ chuyên dụng nạo, cạo thật sạch phần đất bám, các lỗ, kẹt, hốc cây để phòng mối mọt. Trước khi cắt cúp, nghệ nhân xoay tới, xoay lui nhiều chiều để định hình và chủ đề (đây là công đoạn quan trọng nhất vì cây cắt đi rồi sẽ không nối lại được). Sau đó, nghệ nhân thực hiện nhiều công đoạn như đánh bóng, lên màu,... Cốt tủy là phải giữ được những đường nét hài hòa, tự nhiên của tác phẩm.
Nghệ nhân Hai Còn tự nhận mình không giỏi nhưng cần cù, chịu khó, nhất là luôn “giữ lửa” đam mê. Từ khi đến với gỗ lũa, ông trực tiếp và gián tiếp đoạt 14 giải vàng trong các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Hơn 10 năm nay, ông được mời làm giám khảo trong các cuộc thi sinh vật cảnh tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông là một trong những nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam đầu tiên của Long An.
Thành công, danh tiếng với gỗ lũa nhưng nghệ nhân Hai Còn không ngừng tìm hiểu về những môn nghệ thuật khác. Trong một lần đến tỉnh Lâm Đồng, ông có dịp tiếp xúc, trao đổi nghệ thuật với những nghệ nhân nơi đây. Ông chia sẻ kiến thức về gỗ lũa, họ hướng dẫn ông chơi đá cảnh. Ông nhanh chóng tiếp thu và say mê loại hình nghệ thuật này.
Nghệ nhân Hai Còn (ấp 4, xã Long Sơn, huyện Cần Đước) bên tác phẩm gỗ lũa
Đá cảnh phải là đá tự nhiên (Suiseki), chia làm 4 loại: Trừu tượng, hình tượng, phong cảnh, hoa văn. Một viên đá có thạch chất, thạch vị và quan trọng nhất là thạch ý. Tại nhà ông hiện có hàng trăm tác phẩm đá cảnh. Để có được lượng tác phẩm đồ sộ này, ông đã lái xe máy đến tỉnh Lâm Đồng hơn 90 lần, đoạn đường mỗi lần đi về gần 500km. Ông ra các con suối để tìm đá hoặc mua lại của người dân, khi nào có tác phẩm ưng ý mới về. Mỗi viên đá cần có một cái đế phù hợp để đặt lên, gọi là Daiza. Dù chưa học nghề mộc nhưng ông tự mày mò và làm nên những tác phẩm tinh xảo. Nhiều người chơi biết tiếng nên đặt hàng ông làm, mang lại thu nhập ổn định.
Theo nghệ nhân Hai Còn, ngoài tính nghệ thuật cao, đá cảnh còn có giá trị kinh tế lớn. Ông từng bán viên đá với giá 170 triệu đồng. Hiện tại,
ông cho thuê ruộng để tập trung thời gian cho nghệ thuật. Ông là Trưởng bộ môn Đá cảnh thuộc Hội Sinh vật cảnh tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Cần Đước.
Theo nghệ nhân Hai Còn, tên của một tác phẩm khá quan trọng. Với người không chuyên, đầu tiên, họ thường nhìn tên rồi căn cứ vào đó mà cảm nhận. Đặt tên là cách nghệ sĩ “thổi hồn” vào tác phẩm. Tên không cần hoa mỹ, cầu kỳ nhưng phải sát với hình tượng, không nên tưởng tượng xa thực tế làm tác phẩm trở nên lạc lõng. Nhưng đôi khi cũng cần chút “nghệ sĩ” khi đặt tên.
Ông Hai Còn chia sẻ: “Để thật sự tạo được một tác phẩm có hồn, có thần, có tướng, chúng ta nên tìm hiểu, học hỏi ở sách, báo và nhiều môn nghệ thuật khác nhau (bởi tất cả các môn nghệ thuật đều có mối dây ràng buộc) để bổ sung kiến thức về nghệ thuật và mỹ thuật”.
Đối với nghệ nhân Hai Còn, nghệ thuật là sự chắt lọc đến khắt khe nhằm đưa cái hứng thú thẩm mỹ cao nhất cho người thưởng ngoạn. Nghệ thuật không chấp nhận sự xoàng xĩnh, cẩu thả. Giá trị nghệ thuật và giá trị kinh tế không tách rời nhau. Muốn vậy, nghệ nhân phải thường xuyên trui rèn, nâng cao năng lực bản thân để có thể cho ra đời những tác phẩm giá trị, kinh tế.
Giới chơi sinh vật cảnh cũng như dân trong vùng đã quen với cái tên Hai Còn thay vì Phạm Văn Tuấn. Ông nói tên này đậm chất miền Tây, mộc mạc, gần gũi. Khi lửa đam mê vẫn hừng hực dù đã 70 xuân, ông Hai thấy tên Còn do ông nội đặt cho mình thật là ý nghĩa./.
Châu Thanh