Vở diễn Hồi sinh của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai
Đội ngũ kế thừa
NS Sang Sang (25 tuổi), Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai, chia sẻ: “Tôi đến với CL như một cái duyên định sẵn. Bởi, tôi được lớn lên trong những câu hát, lời ru và đặc biệt là những câu vọng cổ của ba và mẹ, nên từ nhỏ, CL đã “ngấm” vào tâm hồn mình. Và ước mơ được trở thành NS CL cũng bắt đầu từ đó. Tôi mong sẽ được ăn cơm Tổ suốt cuộc đời”.
Với tình yêu, niềm đam mê dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này nên NS Sang Sang rất dễ dàng trong việc cảm lời, hiểu ý nghĩa trong từng câu thoại, câu vọng cổ. Mỗi lần hóa thân, NS Sang Sang đặt mình vào nhân vật và sống với nhân vật ấy khi ánh đèn sân khấu sáng lên. NS Sang Sang tâm sự: “Tôi luôn khát khao được “thả” mình trong các vai diễn. Với tôi, đó không chỉ là thỏa mãn đam mê mà còn rèn luyện nghề để ngày càng tiến bộ hơn. Khi diễn thành công một vai diễn, tôi chỉ có thể dùng một từ để diễn tả, đó là “sướng””.
Góp mặt trong liên hoan năm nay, NS Sang Sang tham gia cả trong 2 vở diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai: Hồi sinh và Bão táp một vương triều. Đây cũng là cơ hội để NS trẻ Sang Sang được thể hiện tài năng, giao lưu, học hỏi và rèn luyện nghề. “Với vai trò là NS trẻ, đội ngũ kế thừa của bộ môn nghệ thuật CL, tôi tự nhận thấy trách nhiệm của mình là phát huy hơn nữa những giá trị quý báu của CL. Đặc biệt, tôi không ngừng cố gắng để chứng minh cho những khán giả trẻ thấy được cái hay, nét độc đáo của CL để không quay lưng với bộ môn nghệ thuật này” - NS Sang Sang bộc bạch.
Nhờ sự nhiệt huyết, có tâm trong nghề, NS Sang Sang đạt một số thành tích đáng trân trọng: Huy chương Vàng tại Liên hoan Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015,... Đó cũng là sự khích lệ tinh thần lớn, giúp NS Sang Sang tiếp tục cố gắng và cống hiến hết sức mình.
Nghệ sĩ Sang Sang không ngừng học hỏi và luyện tập để tiến bộ
|
Nghệ sĩ Hoài Minh luôn luyện ca và diễn mỗi ngày để tiến bộ hơn |
Một NS trẻ khác cũng luôn cháy hết mình trên sân khấu - NS Hoài Minh (28 tuổi), Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai. Như những NS trẻ khác, NS Hoài Minh cũng thích nghe CL từ nhỏ. Đó là động lực giúp NS Hoài Minh lựa chọn ngành Diễn viên CL, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM để theo học. Trên giảng đường, được nghiên cứu sâu hơn về bộ môn nghệ thuật CL, được hát, được sống với các vai diễn trên sân khấu, Hoài Minh bắt đầu yêu và đam mê CL. Và sau khi tốt nghiệp đại học, NS Hoài Minh tiếp tục theo đuổi nghề và dấn thân vào con đường chuyên nghiệp.
Hoài Minh tâm sự: “Với NS CL, 2 thứ quan trọng nhất là ca và diễn nên tôi luyện tập hàng ngày. Đồng thời, tôi cũng học hỏi từ các NS đi trước. Liên hoan CL toàn quốc năm 2018 là dịp giúp tôi được thể hiện bản thân, rèn luyện nghề và rút kinh nghiệm, học hỏi từ những NS của đơn vị bạn”.
Khán giả trẻ chưa quay lưng
Có lẽ chưa bao giờ sân khấu Đoàn Nghệ thuật CL Long An lại nhộn nhịp như thời điểm này. Sân khấu sáng đèn bất kể ngày hay đêm. Mỗi buổi sáng và buổi tối trong thời điểm diễn ra Liên hoan CL toàn quốc năm 2018 (ngày 05 đến 19/9/2018), luôn có các đoàn nghệ thuật, nhà hát tranh tài, làm thỏa lòng khán giả. Tại những hàng ghế khán giả, không khó để thấy hình ảnh những khán giả trẻ. Có khán giả đã biết đến CL, cũng có người lần đầu tiên được xem trọn vở diễn nhưng họ đều tập trung và cùng cười, cùng khóc với những nhân vật.
Nguyễn Thị Yến - học sinh lớp 6, Trường Thể dục Thể thao tỉnh, chia sẻ: “Lần đầu tiên em xem CL trực tiếp tại sân khấu, em thấy khá thú vị. Có những đoạn của vở diễn làm em rất xúc động, thương cho nhân vật. Em sẽ xem nhiều vở diễn nữa để hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật truyền thống này”.
Các đoàn nghệ thuật, nhà hát, đặc biệt là những NS đang nỗ lực từng ngày để đưa bộ môn nghệ thuật CL đến gần với khán giả, nhất là khán giả trẻ. Và liên hoan cũng là dịp để những NS thể hiện tài năng, quảng bá hình ảnh, bộ môn nghệ thuật CL đến đông đảo khán giả, góp phần “giữ chân” khán giả cũ và tìm kiếm khán giả mới, đặc biệt là khán giả trẻ.
Trưởng đoàn Nghệ thuật CL Long An - Biện Hữu Hùng Dũng chia sẻ: “CL không còn ở thời hoàng kim nhưng cũng còn một lượng khán giả nhất định. Sau một thời gian “tuột dốc”, hiện CL đang trên đà đi lên. Nhiệm vụ quan trọng của những người làm nghề là đưa CL đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, để khán giả chung tay với những người làm nghề giữ gìn và phát huy những giá trị quý báu của nghệ thuật CL. Và liên hoan cũng là cơ hội để những người làm nghề thực hiện nhiệm vụ ấy”.
Qua các buổi diễn, NS trẻ cùng những NS kỳ cựu góp phần gửi đi thông điệp đến khán giả. Đó là nghệ thuật CL có những cái hay, cái đẹp và giá trị quý báu riêng. Nhờ vậy, khán giả trẻ được tiếp cận nhiều hơn, chú ý hơn về loại hình nghệ thuật này và đó cũng là tín hiệu đáng mừng để thấy rằng, khán giả trẻ chưa quay lưng với CL./.
Ngọc Sương