Tiếng Việt | English

09/11/2022 - 09:44

Nguồn nhân lực chất lượng cao - động lực của sự phát triển (Bài 1)

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực chất lượng cao càng trở nên quan trọng và cần thiết cho sự phát triển. Thực tế khẳng định nơi nào nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào thì nơi đó phát triển mạnh, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, hướng đi tất yếu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Bài 1: Cơ hội học hỏi, nâng cao tay nghề

Chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giải quyết bài toán thiếu nhân công lao động (LĐ); tăng năng suất, hiệu quả công việc; góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu, đẹp,... là hiệu quả mà nguồn nhân lực chất lượng cao mang về cho tỉnh trong thời gian qua.

Tiếp cận khoa học - kỹ thuật tiên tiến, hiện đại

Tỉnh Ibaraki, Nhật Bản là một trong những địa phương phát triển mạnh về khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Những năm qua, tỉnh Ibaraki nói riêng, Nhật Bản nói chung đối mặt với tình trạng dân số già, dẫn đến thiếu nguồn LĐ. Còn Long An lại có nguồn nhân lực rất dồi dào, với trên 1 triệu người trong độ tuổi LĐ, chiếm 62,02% dân số. Dù nguồn nhân lực dồi dào nhưng số LĐ có chứng chỉ, bằng cấp chỉ đạt 31,41%.

Đoàn công tác tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) làm việc tại tỉnh Long An về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Xác định rõ những lợi thế và hạn chế của 2 địa phương, tỉnh Long An và tỉnh Ibaraki thực hiện bản ghi nhớ hợp tác trên lĩnh vực phái cử lao động; đồng thời, 2 bên đang trao đổi kế hoạch thực hiện Chương trình kỹ sư tay nghề cao đưa sang tỉnh Ibaraki làm việc.

Giám đốc Bộ phận Xúc tiến cơ hội việc làm, Phòng LĐ tỉnh Ibaraki - ông Takei Masaki cho biết: “Tỉnh Ibaraki nằm ở vị trí đắc địa khi chỉ cách trung tâm thủ đô từ 30-150km với khí hậu ấm áp được thiên nhiên ưu đãi và được đánh giá là nơi dễ sống. Hiện nay, tỉnh phát triển mạnh mẽ các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp và sản xuất với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ giàu tiềm năng. Chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện cho các bạn Việt Nam làm việc tại tỉnh Ibaraki được học hỏi các tiến bộ khoa học - kỹ thuật của những công ty, xí nghiệp; đồng thời, sẽ đào tạo các bạn có tác phong làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc và khoa học. Đây cũng là một trong những biện pháp chúng tôi chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các nước bạn”.

Từ đầu năm 2020 đến nay (tính từ thời điểm Long An triển khai Đề án đưa người LĐ trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài), tỉnh đã đưa 711 LĐ đi làm việc nước ngoài, trong đó có 646 LĐ Nhật Bản (chiếm hơn 90% số LĐ đi nước ngoài của địa phương). Kết quả này cho thấy hiệu quả và tầm quan trọng trong việc hợp tác LĐ giữa tỉnh Long An và Nhật Bản, trong đó có tỉnh Ibaraki.

Anh Nguyễn Tuấn An (Tổ trưởng Bộ phận lắp ráp Công ty Cổ phần Katsura Việt Nam, Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Tôi tham gia làm việc tại Nhật Bản được 3 năm, sau đó về nước, xin vào làm việc tại Công ty Cổ phần Katsura Việt Nam được 8 năm. Nhờ tham gia làm việc tại Nhật Bản, tôi có cơ hội tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, rèn luyện tác phong công nghiệp, khoa học. Qua đó, giúp tôi hòa nhập nhanh với các kỹ thuật và nền nếp làm việc của doanh nghiệp Nhật Bản tại Long An”.

Trở về đóng góp cho quê hương

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành Kế toán, chị Quách Kim Anh (xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa) loay hoay mãi vẫn chưa tìm được việc làm, trong khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Thế là, chị quyết định lên TP.HCM học ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết để đi làm việc ở Nhật Bản. Chị Kim Anh bộc bạch: “Chi phí học tập, các khoản phí trên 90 triệu đồng. Đây là số tiền lớn đối với gia đình tôi. Để có tiền đóng các khoản phí, tôi nhờ người thân vay ngân hàng 50 triệu đồng. Sau thời gian làm việc, tôi trả hết tiền vay ngân hàng và gửi tiền cho gia đình sửa nhà, mua đất, ổn định cuộc sống”.

Hiện chị Quách Kim Anh là giáo viên dạy tiếng Nhật sau khi trở về nước

Không chỉ tích góp được một khoản tiền giúp gia đình có cuộc sống sung túc, đầy đủ, chị Kim Anh còn tích lũy tiếng Nhật khá tốt. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, chị được công ty ở Nhật Bản đề nghị gia hạn hợp đồng thêm 2 năm. Song, chị từ chối vì muốn quay về đóng góp cho quê hương và truyền cảm hứng cho các bạn đang có ý định đi làm việc nước ngoài nhưng còn băn khoăn. Hiện tại, chị là giáo viên dạy tiếng Nhật tại Công ty TNHH ESUHAI.

Tương tự chị Kim Anh, chị Phạm Thị Hồng Xuyến (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) cũng quyết định trở về quê hương để lập nghiệp. Chị xin vào làm việc tại Công ty Cổ phần Katsura Việt Nam (Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc), giữ chức vụ tổng vụ. Chị Hồng Xuyến trải lòng: “Tôi chọn Nhật Bản để đi LĐ vì đây là nước có nền kinh tế phát triển, khoa học - kỹ thuật tiên tiến để học hỏi. Với vai trò quản lý nhân sự, tôi thường nhắc nhở nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của công ty, sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý. Về Việt Nam, tuy thu nhập không bằng Nhật Bản nhưng tôi vẫn tìm được môi trường làm việc thuận lợi trong công ty Nhật Bản và có điều kiện truyền tải những kiến thức, kinh nghiệm học được ở Nhật Bản cho các bạn trẻ, nhất là được ở gần gia đình”.

Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, Long An nói riêng, cả nước nói chung có nguồn nhân lực rất dồi dào nhưng lại “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao./.

(còn tiếp)

Lê Ngọc

Bài 2: “Khát” nguồn nhân lực chất lượng cao

Chia sẻ bài viết