Tiếng Việt | English

10/09/2020 - 09:10

Nguồn vốn khuyến công - động lực cho doanh nghiệp phát triển

Long An có rất nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở, làng nghề hoạt động ở các lĩnh vực sản xuất như chế biến nông sản, thủy, hải sản, đồ mỹ nghệ,... Để tạo động lực cho các ngành nghề này phát triển, hàng năm, thông qua nguồn vốn khuyến công quốc gia và địa phương, tỉnh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng thực hiện các đề án hỗ trợ DN sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng hàng hóa phục vụ thị trường.

Năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt danh mục đề án khuyến công đợt 1 và đợt 2 với kinh phí gần 1,5 tỉ đồng. Hầu hết đề án đều tập trung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, DN nhỏ và vừa ứng dụng trang thiết bị, dây chuyền mới phục vụ sản xuất. Ngoài ra, Long An còn được Cục Công Thương địa phương thuộc Bộ Công Thương giao thực hiện 1 đề án khuyến công quốc gia thuộc nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất nông sản” với kinh phí thực hiện 900 triệu đồng, phân bổ đến 3 đơn vị thụ hưởng.

Máy sấy được điều khiển hoàn toàn tự động và sản phẩm trái cây sấy của Công ty Cổ phần Thực phẩm HG

Theo đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) thuộc Sở Công Thương là đơn vị được giao thực hiện các đề án khuyến công. Giám đốc TTKC - Phạm Văn Hường cho biết, đến nay hầu hết các đề án đều được xây dựng và thực hiện đúng tiến độ. Đã có 5 đề án khuyến công sử dụng kinh phí địa phương và 1 đề án sử dụng kinh phí quốc gia được trình diễn, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Qua triển khai chương trình khuyến công ở nhiều năm qua, hầu hết các cơ sở sản xuất đều hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động. Đặc biệt, không ít trong số đó có sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Công ty (Cty) Cổ phần thực phẩm HG (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) chọn ngành nghề là sấy thanh long, các loại trái cây khác như mít, chuối, khóm,... phục vụ thị trường. Giải thích lý do chọn ngành nghề này, Giám đốc Cty - Dương Thị Trúc Giang chia sẻ, trái cây là loại thực phẩm người tiêu dùng ưa chuộng nhưng bảo quản và vận chuyển đi xa khó. Vì vậy, Cty chọn lựa máy sấy thế hệ mới, còn được gọi là “sấy thăng hoa”. Trái cây qua sấy vẫn có nhiều ưu điểm, giữ nguyên mùi vị, màu sắc, thành phần hàm lượng dinh dưỡng.

Để đồng hành cùng Cty trong áp dụng công nghệ mới và giảm bớt chi phí đầu tư, TTKC đã xây dựng “Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản”. Đề án sử dụng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, hỗ trợ Cty đầu tư mới 100% máy sấy với công suất 500kg/mẻ nguyên liệu. Chi phí thực hiện đề án 620 triệu đồng, nguồn vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng từ Cty. Với công nghệ sấy này, sau hơn 14 giờ, thanh long cũng như các loại trái cây khác sẽ “ra lò” giòn như bánh snack. Sản phẩm được đóng gói, dễ bảo quản và vận chuyển phục vụ thị trường.

Đánh giá về đề án, ông Phạm Văn Hường cho biết, qua nghiệm thu và dùng thử sản phẩm, tham khảo các giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm, đây là loại máy thế hệ mới, hoàn toàn tự động nên tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ lỗi sản phẩm thấp, tiết kiệm năng lượng. Từ đó, Cty có thể góp phần tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm nông sản tại địa phương, tạo thương hiệu mới cho các loại trái cây đặc sản tại Long An.

Hiện thị trường chính của trái cây sấy được Cty tiêu thụ nhiều ở các khu du lịch. Thời gian tới, Cty tiếp tục thực hiện các cuộc xúc tiến thương mại do Sở Công Thương tổ chức để tiếp thị sản phẩm tại thị trường nước ngoài.

Hộ kinh doanh Phạm Thị Phượng, ngụ xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, theo nghề mộc gia dụng, mộc mỹ nghệ gần 20 năm nay. Sản phẩm do hộ kinh doanh này làm ra rất đa dạng gồm tủ, bàn, ghế, cửa đi, cửa sổ,... Vừa qua, hộ kinh doanh này cũng được xem xét, hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn khuyến công địa phương 98 triệu đồng để đầu tư máy điêu khắc gỗ tự động. Chủ hộ kinh doanh Phạm Thị Phượng cho rằng, nguồn vốn hỗ trợ là động lực giúp đơn vị rất nhiều trong giai đoạn khó khăn. Với dây chuyền sản xuất mới, các sản phẩm làm ra cần có chi tiết hoa văn dần được cải tiến về chất lượng, rút ngắn thời gian thực hiện hoàn thiện sản phẩm, được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn.

Ông Phạm Văn Hường cho rằng, thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương, TTKC tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách khuyến công, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng như các ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết