Tiếng Việt | English

12/10/2023 - 14:36

Nhân rộng các vùng rau ứng dụng công nghệ cao

Nhờ quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất rau chuyên canh tập trung, tạo thuận lợi cho nông dân ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào canh tác, đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An đã hình thành nhiều mô hình trồng rau ƯDCNC, mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cần Giuộc

Mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 12 mô hình điểm sản xuất rau theo hướng hữu cơ với diện tích 7ha tại 2 huyện: Cần Đước, Cần Giuộc và 13 mô hình nhân rộng với diện tích 118,02ha. Lũy kế đến nay, diện tích rau ƯDCNC toàn tỉnh là 1.987,26ha, đạt 99,36% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Toàn huyện Cần Đước hiện có trên 700ha rau màu, năng suất bình quân 20-22 tấn/ha/vụ, trong đó, diện tích rau ƯDCNC khoảng 500ha. Với mục tiêu duy trì và phát triển vùng rau ƯDCNC, huyện Cần Đước tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp.

Theo đó, huyện tổ chức các lớp tập huấn sản xuất rau ƯDCNC tại các xã: Long Khê, Long Trạch, Long Hòa, Phước Vân, Mỹ Lệ và Tân Trạch. Nội dung tập huấn về sản xuất theo hướng an toàn sinh học, sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ƯDCNC với mô hình nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm,...

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp như mở rộng hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng; ưu tiên lựa chọn ứng dụng các công nghệ phù hợp, có khả năng nhân rộng để bảo đảm hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho nông dân.

Huyện Cần Đước phối hợp ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai, thực hiện các mô hình điểm về rau ƯDCNC tại Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Việt, HTX Rau an toàn Phước Hòa và HTX Rau an toàn Mười Hai với sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh và huyện.

Là một trong các HTX được huyện và tỉnh chọn làm điểm triển khai mô hình trồng rau ƯDCNC, HTX Rau an toàn Việt (xã Long Trạch, huyện Cần Đước) hiện trồng trên 10 loại rau khác nhau (chủ yếu là rau ăn lá và rau mùi) để tạo sự đa dạng về chủng loại phục vụ khách hàng. Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 300kg rau các loại, được tiêu thụ tại một số siêu thị ở TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Giám đốc HTX Rau an toàn Việt - Nguyễn Thị Lan cho biết: “Đây là năm thứ 6 HTX ƯDCNC vào sản xuất, với diện tích khoảng 7ha. HTX rất vui mừng vì nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành liên quan và những sản phẩm rau của HTX nhận được sự tin tưởng của doanh nghiệp, người tiêu dùng. HTX luôn mong muốn mang đến các sản phẩm rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Do đó, HTX tiếp tục vận động các thành viên mở rộng diện tích trồng rau ƯDCNC”.

Từ năm 2017 đến nay, HTX Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) nhận được nhiều sự hỗ trợ trong việc ƯDCNC vào trồng rau như hỗ trợ chi phí xây dựng nhà sơ chế, nhà lưới, nhà màng, tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt,... Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng cho biết: “Từ sự hỗ trợ này, HTX đẩy mạnh ƯDCNC vào sản xuất rau. Qua đó, giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất; doanh thu và lợi nhuận của HTX cũng từ đó mà tăng đều qua từng năm”.

Doanh thu và lợi nhuận của Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) tăng đều qua từng năm nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Huyện Cần Giuộc có khoảng 1.700ha rau, trong đó có trên 1.200ha rau ƯDCNC. Để tiếp tục nhân rộng vùng rau ƯDCNC, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp các địa phương, HTX trên địa bàn đẩy mạnh ƯDCNC vào sản xuất rau.

Ông Nguyễn Văn Hảo (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) có kinh nghiệm trồng rau gần 20 năm, cho biết: “Năm 2018, tôi đầu tư trên 130 triệu đồng làm nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để trồng rau ƯDCNC”. Theo ông Hảo, rau trồng trong nhà lưới phát triển tốt, ít sâu, bệnh do cách ly được các loại côn trùng và hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện tại, ông Hảo trồng gần 1ha rau màu, trong đó có 0,5ha được trồng trong nhà lưới. Từ mô hình này, ông có lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/năm.

Chị Lê Quỳnh Mai (xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Qua các buổi tập huấn, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp huyện, tỉnh về trồng rau ƯDCNC, đặc biệt là trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm,… tôi đã đầu tư xây dựng nhà màng và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn rau trên 0,1ha của gia đình. Trung bình mỗi tháng, tôi cung cấp khoảng 2 tấn rau các loại cho hệ thống siêu thị Co.op”.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, để tiếp tục duy trì và nhân rộng diện tích sản xuất rau ƯDCNC, thời gian tới, huyện phối hợp các ngành chức năng đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; củng cố, nâng cao hoạt động của các tổ hợp tác, HTX trên địa bàn huyện.

Cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ

Nhìn chung, việc sản xuất rau ƯDCNC của nông dân thời gian qua khá hiệu quả. Nhiều nông dân có thu nhập cao. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát triển các diện tích rau hữu cơ bước đầu mang lại hiệu quả, nhất là sử dụng phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất và giảm lượng phân bón hóa học. Mặt khác, giá bán rau ổn định, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước nên nông dân rất phấn khởi.

Tuy nhiên, một số địa phương do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh nên diện tích sản xuất nông nghiệp giảm. Một số HTX, tổ hợp tác hoạt động chưa thật sự hiệu quả; chưa hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; nông dân bị ảnh hưởng lớn về sản xuất và tiêu thụ trong và sau dịch Covid-19; giá vật tư nông nghiệp tăng; chi phí đầu tư nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm lớn.

Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục đầu tư cho các vùng rau ƯDCNC theo hướng hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất gắn với xây dựng nhãn hiệu; đồng thời, tập trung phát triển các sản phẩm rau có lợi thế; xây dựng các vùng rau chuyên canh tập trung, quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP và yêu cầu của thị trường.

Cùng với đó, cần đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp thu mua.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, thời gian tới, để mở rộng diện tích rau ƯDCNC, Sở tiếp tục phối hợp các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất nông nghiệp ƯDCNC; tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình ứng dụng kỹ thuật mới. Ngoài ra, Sở sẽ kết nối và khuyến khích doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác liên kết xây dựng các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân.

Việc ƯDCNC vào sản xuất rau thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực, không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản mà còn thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và yêu cầu của thị trường. Qua đó, góp phần khẳng định việc ƯDCNC vào sản xuất là hướng đi đúng, phù hợp, cần được tiếp tục duy trì, nhân rộng trong thời gian tới./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích