Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước khi bước vào hội đàm. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản, ngày 4/7, tại Nhà khách Quốc gia, thủ đô Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản, ủng hộ Nhật Bản có vai trò và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ mong muốn cùng hợp tác chặt chẽ để đưa quan hệ giữa hai nước phát triển ngày càng toàn diện, hiệu quả và thực chất. Hai thủ tướng nhất trí tăng cường tiếp xúc ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao, thực hiện hiệu quả các cơ chế đối thoại và hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng Abe bày tỏ sự vui mừng được đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - một người bạn thân thiết của ông. Thủ tướng khẳng định quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng. Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam về hạ tầng cả chất lượng và số lượng hướng đến phát triển hạ tầng chất lượng cao.
Hai Thủ tướng nhất trí duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, đối thoại ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, tăng cường sâu sắc hơn nữa sự tin cậy về chính trị. Theo đó, Thủ tướng Shinzo Abe hoan nghênh chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Abe cũng nhận lời sớm thăm lại Việt Nam.
Về hợp tác kinh tế, hai Thủ tướng nhất trí phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các dự án quan trọng, sớm hoàn thành Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp. Thủ tướng Shinzo Abe cam kết dành nguồn vốn ODA ở mức cao giúp Việt Nam phát triển bền vững, cam kết cung cấp ODA cho dự án Bệnh viện Chợ Rẫy 2 (Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cảm ơn và đánh giá cao việc Thủ tướng Abe ủng hộ đề nghị của Việt Nam về cam kết vốn ODA đợt 1 tài khóa 2015 trị giá 300 tỷ yen, tương đương 3 tỷ USD cho các dự án của Việt Nam.
Thủ tướng Shinzo Abe cũng cam kết xem xét nghiêm túc đề nghị của Việt Nam về việc duy trì và tăng quy mô hỗ trợ các Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai Chiến lược phát triển Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến 2020, tầm nhìn 2030.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Chính phủ Nhật Bản tích cực hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản tham gia Dự án Đại học Việt Nam-Nhật Bản; mở rộng tiếp nhận điều dưỡng viên….
Thủ tướng cũng hoan nghênh và ủng hộ các doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu đầu tư khu “đô thị thông minh” Bắc Hà Nội.
Hai bên nhất trí cao tạo mọi thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp hai nước tăng mạnh kim ngạch thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và du lịch giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết hai bên khẳng định lại quyết tâm triển khai hiệu quả các dự án quy mô lớn mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã thỏa thuận, trong đó có dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2; Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam; nghiên cứu đầu tư trước một đoạn cần thiết trong tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; tăng cường hợp tác về đầu tư, nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực; đồng thời nghiên cứu khả năng hợp tác trong kế hoạch tín dụng 110 tỷ USD do Thủ tướng Abe công bố tháng Năm vừa qua nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí tăng cường hợp tác trên các diễn đàn khu vực và thế giới. Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của Nhật Bản vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ việc Việt Nam ủng hộ “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” của Nhật Bản vì mục tiêu hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới trên nguyên tắc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, cùng thịnh vượng.
Hai Thủ tướng cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết hai bên chia sẻ quan ngại sâu sắc của các nhà lãnh đạo Mekong-Nhật Bản, của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là những hoạt động lấn biển, xây đảo quy mô lớn.
Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh an toàn và tự do hàng hải và hàng không, yêu cầu các bên liên quan không có những hành động gây phức tạp và mở rộng tranh chấp trên Biển Đông, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: “Chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc việc đơn phương thay đổi hiện trạng quy mô lớn và xây dựng căn cứ quân sự trong khu vực. Chúng tôi cam kết cùng duy trì trật tự hàng hải và hàng không. Chúng tôi rất vui sẽ hợp tác cùng nhau đóng góp cho sự ổn định của khu vực và quốc tế.”
Hai Thủ tướng cho biết với sự nỗ lực và thiện chí của hai bên, hai thủ tướng đã nhất trí tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một số vấn đề kỹ thuật còn lại hai đoàn đàm phán sẽ thảo luận để hoàn tất. Hai bên sẽ nỗ lực để cùng các thành viên khác sớm kết thúc đàm phán TPP.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao đóng góp của Nhật Bản vào thành công của Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần này với việc thông qua “Chiến lược Tokyo 2015” xác định phương hướng của cơ chế hợp tác này trong giai đoạn tiếp theo.
Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký kết một loạt các văn bản thỏa thuận gồm: Hiệp định vay vốn của 5 dự án ODA tài khóa 2014 trị giá hơn 66 tỷ yen; Công hàm trao đổi 3 dự án ODA viện trợ không hoàn lại tài khóa 2015 của Nhật Bản dành cho Việt Nam; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản về việc thành lập Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng; Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước Nhật Bản-Việt Nam.
Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam rời thủ đô Tokyo, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản, thăm làm việc tại Nhật Bản./.
(TTXVN/VIETNAM+)