Tiếng Việt | English

17/06/2020 - 09:07

Nhìn sâu, viết đúng

Nhiều người thường nói về nghề báo bằng những mỹ từ “nghề cao quý”, “quyền lực thứ tư”, thế nhưng ai có vào nghề, theo nghề mới cảm nhận hết nỗi vất vả của nghề.

Vất vả là thế nhưng nghề báo lại có “sức hút” mãnh liệt mà những ai “lỡ” yêu nghề khó có thể dứt được. Nghề báo đòi hỏi phóng viên phải thường xuyên làm mới mình từ cách tiếp cận, phân tích vấn đề, sắp xếp cấu tứ, cho ra một bài báo có nét riêng, tác động tích cực đến xã hội. Ai cũng có thể viết nhưng không phải ai cũng làm báo được và phải cố gắng, nỗ lực, tìm tòi những cái mới, cái lạ trong cuộc sống thì mới có thể có những bài báo hay, phản ánh “hơi thở” cuộc sống. Nghề báo, vác ba lô, đi, cảm nhận, tìm hiểu và viết… những việc tưởng chừng như đơn giản ấy là cả một quá trình rèn luyện, trau dồi để nhìn sao cho sâu, viết sao cho đúng, trúng và mang lại hiệu quả. Đơn cử, khi viết về những khó khăn của tuyến y tế cơ sở, nếu chỉ dừng lại ở những khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất thì bài báo đơn thuần chỉ dừng lại ở việc phản ánh. Một người làm báo giỏi sẽ có cái nhìn sâu hơn và đặt ra hàng loạt những câu hỏi: Vì sao người bệnh ít đến trạm y tế xã mà có xu hướng chuyển về tuyến trên mặc dù trạm có đội ngũ y, bác sĩ và phương tiện, máy móc bảo đảm thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh ban đầu? Vì sao những máy móc được trang bị lại chưa phát huy hết công năng? Vì sao một số trạm được đầu tư đạt chuẩn nhưng vẫn không thu hút được người bệnh? Để trả lời những câu hỏi này buộc nhà báo phải thâm nhập thực tế, tìm hiểu cả những nguyên nhân chủ quan, khách quan và khi giải quyết được vấn đề sẽ giúp ngành y tế tháo gỡ những khó khăn, phát huy vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu của tuyến y tế cơ sở, giảm tải cho hệ thống y tế tuyến trên. Rõ ràng, hiệu quả của một bài báo phản ánh và một bài phân tích là khác nhau. Để có một bài báo hay, mang lại hiệu quả xã hội, nhà báo phải nhìn sâu, viết đúng và muốn làm được điều đó là cả một quá trình học hỏi, trau dồi kinh nghiệm.

Bao nhiêu năm làm nghề vẫn khó có thể nói hết những đặc thù của nghề báo. Đối với người làm báo, niềm tự hào nhất không phải là đoạt nhiều giải thưởng mà là có những bài báo thực sự đi vào cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân và sau những bài báo đó là sự vào cuộc của các ngành chức năng để xử lý, giải quyết vấn đề. Còn nhớ, năm 2017, bài báo của tác giả Kiên Định đăng trên Báo Long An phản ánh việc gần 60 hộ dân sống ở khu vực kênh Sình Môn, thuộc ấp 3, xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa, không có điện sinh hoạt hàng chục năm qua. Sau bài phản ánh, Công ty Điện lực đã đầu tư hơn 3,9 tỉ đồng lắp đặt hệ thống điện phục vụ người dân nơi đây. Sau gần 40 năm không có điện sinh hoạt, nhờ bài báo mà người dân được “đón” dòng điện lưới quốc gia, được tiếp cận nhiều thông tin và thuận lợi hơn trong sinh hoạt.

Mỗi chuyến đi, mỗi bài báo sẽ giúp phóng viên trưởng thành hơn, có cái nhìn sâu hơn trong từng vấn đề để cho ra đời những bài báo hay, phản ánh “hơi thở” cuộc sống. Khi đã chọn nghề, những người làm báo đều luôn lấy câu “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam với mong muốn những tác phẩm báo chí của mình sẽ góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn./.

Anh Túc

Chia sẻ bài viết