Tiếng Việt | English

04/03/2016 - 10:29

Nhớ quá, ngoại ơi

Không biết mai này, khi những đứa cháu của ngoại trở thành ông, bà ngoại, có thấy lòng mình trống trải hay không khi những năm tháng tuổi già cô quạnh gọi đâu, nhìn đâu cũng không thấy cháu con mình…

 

Ảnh: nguồn doisongphapluat.com

Bà ngoại 94 tuổi, khi nhớ, khi quên…

Mấy lúc nhớ, ngoại nhắc, con Nguyên, thằng Trưởng đâu mà lâu quá tao không thấy tụi nó? Mấy đứa ở gần ngoại, lấy điện thoại gọi cho mấy anh mấy chị hay, nói anh ơi, chị ơi, ngoại nhắc mấy anh, ngoại nhớ,… Nhưng bên kia máy oang oang giọng nói, ngoại nghe không rõ. Đợi hoài, mấy đứa cháu mãi không về, ngoại nhớ, rồi ngoại buồn.

Những lúc ngoại lẩn, cứ ngồi ra đó, nhắc tên đứa này đứa nọ, nhắc, “Thằng Trấn sanh có bảy tháng rưỡi, nhỏ như con mèo, mà tao nuôi nó lớn như thổi”; “Ừ hôm bữa có bà kia rủ đi núi, mà lúa ở nhà vầy, làm sao đi được, hông đi bả giận, cũng khổ”; “Ê ê, kêu ổng vô, kêu ổng vô, mưa vầy mà ngủ ngoài đó, bịnh chết…” thấy thương nhưng không xốn xang, vì biết ngoại nói vậy thôi chứ thực ra là ngoại lẩn.

Những lúc ngoại tỉnh, cứ ngồi ngó ra ngoài cửa, hỏi mấy đứa đâu mà vắng tanh vậy bây? Nhưng không thấy ai lên tiếng, mọi người cứ tưởng ngoại lẩn nên hỏi vậy, vô tình làm cho những năm tháng cuối đời của ngoại vắng những tiếng đáp lại từ những đứa cháu thân thương.

Đứa cháu ngoại mấy năm không lên thăm bà vì bận đi công tác quanh năm. Bữa đó đi công tác ngang nhà ngoại, trời mưa to quá nên ghé lại trú mưa, sẵn đó bước vào nhà hỏi thăm bà ngoại: “Ngoại ơi! ngoại nhớ con hông?”. Bà nhìn hồi lâu, rồi lắc đầu, “Hông nhớ, cậu ở đâu mà lạ quá”…

Đứa cháu mặt méo xẹo, ngồi bẹp xuống bên ngoại. Nắm lấy tay ngoại, lúc này mới chợt nhớ ra. Trời ơi! Sao nhớ quá! Bàn tay này, hồi mười mấy năm trước… từng giặt bộ đồ, đốt than ủi từng cái áo cho cháu đi học. Vậy mà giờ da nhăn nheo, đầy vết đồi mồi…

Khi bắt gặp những thứ không còn như xưa nữa, nó thường làm dòng suy nghĩ người ta lùi lại, để thấy đó những hình bóng cũ, rồi vụt qua, mất đó, chỉ còn vẹn nguyên một hình hài không như xưa, để lòng ta xốn xang, vừa nhớ vừa đau. Thấy đứa cháu im lặng, bà hỏi: “Cậu quê ở đâu?”.

Đứa cháu trả lời: “Dạ ở Cao Lãnh, ngoại!”

“Vậy cậu biết con Xuân Hoa con tui hông? Nó ở Cao Lãnh, lâu quá tui hông có đi xuống đó, nhớ mấy đứa cháu đứt ruột…”.

Đứa cháu ngoại nghe nhắc tên mẹ, ôm bà ngoại khóc nức nở, ngoại dỗ, lớn rồi còn khóc, lớn rồi, có gì đâu mà khóc… Ngày xưa bàn tay ngoại vuốt tóc cháu, ngoại vỗ cháu là cháu nín ngay. Bây giờ cháu lớn, ngoại vỗ hoài mà nước mắt cháu cứ tràn mi, ngoại ơi!

Không biết mai này, khi những đứa cháu của ngoại trở thành ông, bà ngoại, có thấy lòng mình trống trải hay không khi những năm tháng tuổi già cô quạnh gọi đâu, nhìn đâu cũng không thấy cháu con mình… Nghĩ vậy mà đứa cháu cứ ôm ngoại khóc ròng…/.

Lê Quang Trạng

Chia sẻ bài viết