Tiếng Việt | English

17/06/2020 - 11:20

Nhọc nhằn bên từng câu chữ

Chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng từng mến mộ những nhà báo Lại Văn Sâm, Quỳnh Hương, Tạ Bích Loan,… Hình ảnh của họ xuất hiện trên truyền hình lung linh và cuốn hút bởi sự hiểu biết và cách xử lý tình huống vô cùng điêu luyện. Thế có mấy ai biết được, để có những thước phim chỉn chu như thế là biết bao mồ hôi, công sức, trí tuệ của cả tập thể. Nếu đã từng theo dõi báo viết, ắt hẳn bạn đọc không còn xa lạ với những cái tên Huỳnh Dũng Nhân, Binh Nguyên,… những tác giả mang đến nhiều bài phóng sự lôi cuốn bạn đọc. Và để có những bài báo hay, phản ánh được “hơi thở” của cuộc sống, nhà báo phải dấn thân, đối mặt với nguy hiểm tìm tư liệu viết bài. Khi đã thu thập đủ tư liệu, nhà báo phải tư duy, sắp xếp câu từ, cho ra một bài báo thu hút bạn đọc. Để có một bài báo hay, điều đầu tiên cần có là một phóng viên giỏi, có tâm với nghề, dám dấn thân vì niềm đam mê, sau đó là sự hỗ trợ của đội ngũ “hậu cần” từ biên tập viên, họa sĩ thiết kế đến kỹ thuật viên,… Hàng ngày, để có những thông tin mới, chính xác, kịp thời đến với bạn đọc thì đội ngũ những người làm báo phải vất vả bên từng con chữ. Khi mọi người ngon giấc thì phóng viên vẫn thức đến 1-2 giờ sáng viết bài rồi được chuyển sang những khâu tiếp theo để hoàn thành phần “hậu kỳ”. Nếu phóng viên “xông pha” nơi tuyến đầu thì bộ phận biên tập viên, kỹ thuật viên miệt mài ở “tuyến sau”. Và khi kết thúc công việc, bản thảo được chuyển đến nhà in, đội ngũ “hậu cần” ra về khi đường phố đã lên đèn, có lúc đến quá nửa đêm. 

Không nghề nào là không vất vả nhưng có lẽ nghề báo là một trong những nghề vất vả và nguy hiểm nhất. Và niềm hạnh phúc của những người làm báo là khi thấy tác phẩm của mình được bạn đọc đón nhận. Đó chính là động lực để họ tiếp tục dấn thân với niềm đam mê./.

Bình Nguyên

Chia sẻ bài viết