Tiếng Việt | English

11/02/2021 - 22:48

Nhọc nhằn mưu sinh đêm 30 tết

Dạo quanh một vòng TP.Tân An không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người lao động đang phải gồng mình mưu sinh trong cái lạnh của đêm 30 tết. Gác lại chuyện vui xuân, sum họp bên gia đình, với nhiều người niềm vui Tết chỉ đơn giản là công việc được thuận lợi, bán đắt hàng hơn ngày thường.

Chị Huỳnh Thị Bích Nhung, tiểu thương tại chợ đêm Tân An dọn hàng về sớm hơn mọi năm 

5 năm gắn bó với chợ đêm Tân An, chị Huỳnh Thị Bích Nhung cho biết, chưa năm nào tình hình buôn bán tệ hại như năm nay. Vừa dọn hàng, chị Nhung vừa tâm sự: “Mọi năm, 30 tết người dân đi xem bắn pháo hoa nên buôn bán được lắm, có năm 1h, 2h mới về. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch covid-19, không có bắn pháo hoa nên người dân ít ra đường, chiều nay lại mưa nên cửa hàng bán chậm. Đêm nay, tôi sẽ dọn hàng về sớm.”

Là lao động chính trong gia đình có 4 thành viên, gác lại chuyện vui xuân, sum họp bên gia đình, anh Đoàn Đăng Khoa (37 tuổi), ngụ phường 1, TP.Tân An cũng đang bất tật mưu sinh. Gắn bó với nghề bán vé số 5 - 6 năm cũng là gần ấy thời gian anh Khoa không sum họp với gia đình trong đêm 30 tết.

Càng về khuya, trời càng lạnh, khiến cho công việc của nhiều người càng thêm vất vả

Cầm xấp vé số khá dày trên tay, anh Khoa ra sức mời khách. Anh Khoa trải lòng: “Nhìn cảnh nhà nhà, người người quây quần bên nhau đón xuân tôi cũng buồn nhưng vì cuộc sống nên phải ráng đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chưa năm nào tôi buôn bán ế ẩm như năm nay. Chiều nay, trời mưa nên tình hình buôn bán còn tệ hơn hôm qua. Đêm qua, bán được 200 tờ nhưng từ chiều đến giờ bán được chưa đến 50 tờ. Sáng mai, tôi sẽ tranh thủ đi bán cho hết.”

Theo chị Đặng Thị Chung cho biết, chưa tết năm nào tình hình buôn bán ế ẩm như năm nay

Hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất Long An, chị Đặng Thị Chung (44 tuổi), làm nghề bán hàng rong đã quá quen thuộc với hình ảnh của người lao động tất bật mưu sinh vào đêm 30 tết. Chị Chung chia sẻ: “Tôi quê Hà Nội, vào miền Nam lập nghiệp đã mười mấy năm. Cuộc sống khó khăn nên cũng chẳng thể về quê đón tết cùng gia đình. Năm nào, tết không về quê là tôi đều đi làm. Mọi năm, thời khắc trước giao thừa người dân đi chơi, đi xem bắn pháo hoa rất đông nên bán đắt hàng lắm. Năm nay,  tình hình buôn bán thê thảm.”

Càng về khuya, trời càng lạnh, khiến cho công việc của nhiều người càng thêm vất vả. Đêm giao thừa là thời khắc thiêng liêng, là lúc mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, cùng chia sẻ những kỷ niệm trong năm cũ và chào đón năm mới. Nhưng vì cuộc sống nên nhiều người chấp nhận ra đường bươn chải với mong ước kiếm thêm được chút tiền trang trải cuộc sống./.

Hoài An

Chia sẻ bài viết