Tiếng Việt | English

03/11/2024 - 19:30

Nhộn nhịp nơi Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp

Những chuyến xe container xếp hàng dài chờ lấy hàng ở Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Bình Hiệp cùng các hoạt động giao thương khá nhộn nhịp mang đến sức sống mới nơi biên giới của thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An kỳ vọng tạo động lực mới cho vùng Đồng Tháp Mười phát triển kinh tế.

Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường) nhộn nhịp đón các chuyến xe xuất, nhập khẩu hàng hóa

Những chuyến hàng xuôi ngược

Giữa tháng 10/2024, chúng tôi có chuyến xuôi về thị xã Kiến Tường, thăm CKQT Bình Hiệp. Tuyến Quốc lộ 62 dù chưa được đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhưng những chuyến xe container chuyên chở hàng hóa xuất, nhập khẩu vẫn xuôi ngược hàng ngày trên cung đường này để đưa hàng hóa về CKQT Bình Hiệp.

Trên tuyến đường từ ngã tư Bình Hiệp đến CKQT những ngày này, hàng loạt xe container xếp hàng nối đuôi nhau chờ lấy hàng. Cùng với đó, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân cũng nhộn nhịp hơn, tạo nên không khí sôi động trong bức tranh kinh tế mậu biên ở thị xã Kiến Tường.

Sau chuyến hành trình kéo dài 2 ngày từ CKQT Hữu Nghị, tài xế Lê Văn Nam có mặt tại CKQT Bình Hiệp. Đợt này, anh Nam nhận nông sản từ Trung Quốc để giao qua Campuchia. Sau khoảng 15 phút làm các thủ tục, chiếc xe container của anh rời khu vực cửa khẩu đến bãi hàng hóa quá cảnh và chờ nhận hàng để quay về CKQT Hữu Nghị. Anh Nam cho biết: “Khoảng 3 năm nay, đơn vị vận tải nơi tôi làm thường xuyên nhận các đơn hàng vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ các cửa khẩu khu vực phía Bắc đến CKQT Bình Hiệp cũng như nhận hàng từ các tỉnh, thành phố miền Tây để xuất sang Trung Quốc. So với nhiều cửa khẩu khác thường phải xếp hàng, chờ đợi lâu thì tại CKQT Bình Hiệp, thủ tục nhanh, gọn, giúp chúng tôi tiết kiệm được thời gian”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CKQT Bình Hiệp - Phạm Khắc Kính, trước đây, rất ít doanh nghiệp (DN) chọn CKQT Bình Hiệp là điểm xuất, nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, từ dịch Covid-19 đến nay, số lượng DN đến làm thủ tục hải quan với hàng hóa xuất, nhập khẩu, quá cảnh tăng. Hiện nay, trung bình 1 ngày có từ 40-50 lượt xe container đến làm thủ tục hải quan. Ông Phạm Khắc Kính thông tin: “Từ đầu năm 2024 đến nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua CKQT Bình Hiệp đạt hơn 55,5 triệu USD, bằng 141% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 37,9 triệu USD, nhập khẩu 17,6 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như giày dép, đồ điện, đồ trang trí nội thất; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu nguyên phụ liệu sản xuất, hàng hóa tiêu dùng. Riêng hàng quá cảnh chủ yếu là hàng nông sản, vải dệt các loại”.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp lực lượng hải quan kiểm tra các phương tiện qua Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp

Khu kinh tế cửa khẩu - Động lực tăng trưởng của vùng Đồng Tháp Mười

Thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Long An có tổng diện tích 13.080ha, nằm giáp ranh biên giới Campuchia, gồm CKQT Bình Hiệp và Cửa khẩu phụ Long Khốt. Trong đó, Khu kinh tế được quy hoạch nhiều khu chức năng như Khu công nghiệp Cửa khẩu Bình Hiệp, khu phi thuế quan, khu dân cư đô thị, khu thương mại - dịch vụ, khu vực phát triển nông nghiệp, nông nghiệp kỹ thuật cao. Để thu hút DN đầu tư tại KKTCK Long An, tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư như các dự án đầu tư trong Khu kinh tế đều được ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân,...

Đến nay, Khu công nghiệp Cửa khẩu Bình Hiệp (giai đoạn 1) thu hút được 2 dự án FDI với vốn đầu tư 75 triệu USD, diện tích 21,2ha gồm Công ty TNHH Tainan Enterprises Việt Nam đầu tư ngành dệt, nhuộm với quy mô 16,9ha và Nhà máy Sản xuất giày nữ thời trang cao cấp của Công ty TNHH Victory International Việt Nam, vốn đầu tư 10 triệu USD. Ngoài ra, KKTCK thu hút được 2 dự án trong nước với diện tích 0,66ha. Từ khi hoạt động đến nay, các DN trong Khu công nghiệp Cửa khẩu Bình Hiệp đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 2.000 lao động tại thị xã Kiến Tường và các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.

Mặc dù so với trước đây, hiện nay, KKTCK Long An, CKQT Bình Hiệp có nhiều bước phát triển, thu hút được một số DN đến đầu tư, xuất, nhập khẩu hàng hóa nhưng so với khả năng, sự đầu tư hạ tầng hiện nay thì KKTCK cũng như CKQT Bình Hiệp chưa khai thác hết tiềm năng. Theo ông Phạm Khắc Kính, so với các cửa khẩu vệ tinh gần với TP.HCM, CKQT Bình Hiệp có nhiều lợi thế.

Đặc biệt, hiện nay, tỉnh mời gọi các DN, nhà đầu tư vào KKTCK. Tuy nhiên, theo ông Phạm Khắc Kính, các DN chưa mặn mà đầu tư vào Khu kinh tế cũng như chưa chọn CKQT Bình Hiệp trong xuất, nhập khẩu hàng hóa do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng.

Hiện nay, tuyến đường duy nhất đến CKQT Bình Hiệp là Quốc lộ 62 quá nhỏ, hẹp, xuống cấp nghiêm trọng. Điều này dẫn đến các phương tiện container vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. “Cần sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 62 để khơi thông điểm nghẽn, khi đó, không chỉ thu hút đầu tư vào KKTCK, khu công nghiệp mà còn tạo động lực để kéo các DN xuất, nhập khẩu hàng hóa qua CKQT Bình Hiệp. Khi đó, các hoạt động kinh tế tại Bình Hiệp sẽ trở nên sôi động hơn và trở thành động lực trong phát triển kinh tế của thị xã Kiến Tường nói riêng cũng như khu vực Đồng Tháp Mười nói chung” - ông Phạm Khắc Kính cho biết./.

Thụy Anh

Chia sẻ bài viết