Tiếng Việt | English

27/07/2022 - 14:34

Những cuộc hội ngộ xúc động tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Long An  

Trong chuỗi hoạt động tri ân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), chúng tôi có dịp đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Long An và chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động của thân nhân các gia đình liệt sĩ.

Bà Trịnh Thị Kim Thanh (72 tuổi, quận Hoàn Kiếm) đến viếng liệt sĩ Trịnh Quốc Tường

Vượt quãng đường hơn 1.600km từ TP.Hà Nội, gia đình 3 thế hệ của bà Trịnh Thị Kim Thanh (72 tuổi, quận Hoàn Kiếm) đến viếng người thân tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Long An nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022). Đôi mắt đỏ hoe, bà Thanh chắp tay cầu nguyện trước phần mộ của anh ruột là liệt sĩ Trịnh Quốc Tường (SN 1946, nguyên quán Hà Nội).

“Anh Tường hy sinh ngày 16/3/1970. Hôm nay, gia đình có tất cả 15 thành viên đến đây, trong đó, đa số đều ở TP.Hà Nội vào. Thời gian qua, phần vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần vì sức khỏe nên đã nhiều năm tôi mới có dịp trở lại thăm phần mộ của anh trai tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Long An” – bà Thanh xúc động.

Cuộc hội ngộ xúc động của thân nhân gia đình liệt sĩ Trịnh Quốc Tường

Đẩy chồng trên chiếc xe lăn, bà Trịnh Thị Kim Điệp (74 tuổi, ngụ TP.HCM) cũng là em ruột của liệt sĩ Trịnh Quốc Tường, bà tâm sự: “4 giờ, từ TP.HCM cả nhà di chuyển lên xe đến tỉnh Long An. Vợ chồng tôi là giáo viên về hưu, mấy năm nay, chúng tôi chuyển đến sống tại TP.HCM. Từ ngày vào Nam, mỗi năm gia đình tôi đến đây thăm mộ anh 3 lần vào dịp giỗ, Ngày Thương binh - Liệt sĩ và tảo mộ cuối năm. Đây là lần các thành viên trong gia đình có mặt đông đủ nhất từ trước đến nay”.

Nhìn hình ảnh thân nhân gia đình liệt sĩ Trịnh Quốc Tường khiến mọi người không khỏi xúc động. Cách phần mộ của liệt Trịnh Quốc Tường chưa đầy 100m là phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Dũng (SN 1967, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc).

Bên phần mộ của con trai, vợ chồng ông Nguyễn Văn Minh và người cháu trai đang trò chuyện cùng nhau. Ông Minh cho biết: “Vợ chồng tôi đều tham gia kháng chiến, trong các con thì Dũng nối gót truyền thống cách mạng của gia đình và hy sinh ngày 21/5/1986 tại tỉnh Battambang, Campuchia. Mỗi năm, gia đình đến thăm mộ con 2 lần là vào dịp 27/7 và trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm rồi chúng tôi mới có dịp đến đây, nhìn phần mộ con được quan tâm, chăm sóc chúng tôi ấm lòng lắm”.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Minh bên phần mộ con trai (liệt sĩ Nguyễn Văn Dũng)

Được biết, trải qua mười mấy năm từ ngày nhận được tin báo tử thì gia đình ông Minh mới tìm được phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Dũng. “Tối hôm ấy, khi nhận được tin từ người hàng xóm, cả đêm, tôi chẳng tài nào ngủ được, chỉ mong trời nhanh sáng để đi xác minh. Tôi luôn cầu nguyện thông tin đúng như người hàng xóm thông báo” – vợ ông Minh nhớ lại.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những mất mát của chiến tranh vẫn còn đó. Ngày hôm nay, chúng ta may mắn được sống trong hòa bình, độc lập, hạnh phúc là nhờ vào sự hy sinh to lớn của biết bao anh hùng liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng,... 

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm tri ân các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Song song đó, để sống xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha anh, mỗi người phải luôn cố gắng hoàn thiện mình, sống có ích cho gia đình và xã hội, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích