Tiếng Việt | English

29/08/2023 - 11:00

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn tỉnh Long An tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để vượt khó, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Cây dừa xiêm đỏ mang lại cho cựu chiến binh Trương Văn Thành (khu phố Nhơn Hậu, phường Tân Khánh, TP.Tân An) thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm

Ổn định kinh tế nhờ trồng dừa xiêm đỏ

Theo chân Chủ tịch Hội CCB phường Tân Khánh, TP.Tân An, chúng tôi đến nhà CCB Trương Văn Thành - hội viên (HV) Hội CCB khu phố Nhơn Hậu, phường Tân Khánh. Ông Thành cho biết, nhập ngũ năm 1986 và tham gia chiến đấu tại tỉnh Xiêm Riệp (Campuchia), năm 1989, xuất ngũ và trở về địa phương, lập gia đình, phát triển kinh tế.

Trước đây, gia đình CCB Trương Văn Thành trồng gần 1ha lúa nhưng năng suất không cao. Nhận thấy cây dừa xiêm đỏ có tiềm năng phát triển, thích hợp với thổ nhưỡng nên ông quyết định đầu tư vốn để trồng. Ban đầu, ông trồng thí điểm vài chục cây. Sau một thời gian, nhận thấy chi phí mua giống, phân bón không nhiều, công chăm sóc ít lại cho thu nhập cao so với trồng lúa nên ông Thành tiếp tục trồng dừa xiêm đỏ với số lượng nhiều hơn. Đến nay, ông sở hữu 0,6ha dừa xiêm đỏ đang trong thời kỳ cho trái.

Ông Thành chia sẻ: “Đối với dừa xiêm đỏ, trung bình nửa tháng sẽ phun thuốc một lần, từ 30-40 ngày sẽ bón phân, trồng khoảng 2,5-3 năm bắt đầu thu hoạch. Tôi trồng khoảng 270 cây dừa xiêm đỏ đang trong giai đoạn thu hoạch. Bình quân mỗi năm, vườn dừa mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng”.

Bên cạnh đó, ông Thành còn tận dụng nguồn cỏ trong vườn dừa để nuôi dê sinh sản. Hiện đàn dê của ông có khoảng 15 con, trong đó, có 10 con dê giống đang trong thời kỳ sinh sản. Mỗi tháng, đàn dê giúp gia đình ông có thêm nguồn thu nhập từ 2-3 triệu đồng.

“Tôi tích cực tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, vật nuôi do khu phố, phường tổ chức. Ngoài ra, tôi còn thường xuyên tìm tòi, học hỏi thêm những phương pháp sản xuất mới để áp dụng vào trồng dừa xiêm đỏ và nuôi dê” - ông Thành chia sẻ thêm.

Không giữ kinh nghiệm cho riêng mình, ông Thành chia sẻ cho các nông dân khác, đặc biệt là HV Hội CCB phường Tân Khánh. Chủ tịch Hội CCB phường Tân Khánh - Trần Thanh Thủy cho biết: “Thời gian qua, HV Hội CCB phường xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Trong đó, mô hình trồng dừa xiêm đỏ của HV Trương Văn Thành là một trong những điển hình, giúp ông Thành có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng và góp phần phát triển KT-XH địa phương”.

Phát triển kinh tế từ ốc bươu đen

Trung bình mỗi tháng, cựu chiến binh Nguyễn Văn Xây thu hoạch được khoảng 20kg trứng ốc

Được sự giới thiệu của Hội CCB xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, chúng tôi đến ấp Nguyễn Sơn, gặp CCB Nguyễn Văn Xây. Bằng sự nỗ lực, cố gắng trong suốt thời gian dài và sự đồng cam cộng khổ của vợ chồng, hiện nay, cuộc sống gia đình ông Xây dần ổn định và vươn lên thoát nghèo với mô hình nuôi ốc bươu đen và ốc lác.

CCB Nguyễn Văn Xây cho biết, năm 1984, ông nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại Campuchia, năm 1987 xuất ngũ, trở về địa phương tập trung phát triển kinh tế gia đình. Được biết, sau nhiều năm trồng lúa không hiệu quả, ông quyết định đào ao nuôi cá tra giống. Tuy nhiên, việc nuôi cá tra giống cũng không thuận lợi, nhiều vụ nuôi liền, giá cá tra giống xuống thấp khiến ông Xây bị thua lỗ nặng.

“Sau nhiều vụ nuôi cá tra giống thất bại, tôi tìm hiểu và chuyển sang mô hình nuôi ốc bươu đen và ốc lác. Ban đầu, tôi mua 10.000 con ốc giống ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang thả vào ao nuôi, kết hợp trồng mít trên bờ ao để tận dụng nguồn mít dạt làm thức ăn cho ốc. Sau khoảng 4-5 tháng thả nuôi, tôi thu hoạch ốc thịt để bán, trọng lượng khoảng 20-30 con/kg với giá khoảng 60.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận khoảng 50.000 đồng/kg” - ông Xây nói.

Sau 2 năm nuôi ốc bươu đen, ốc lác thịt, ông Xây bắt đầu thử sức ươm ốc giống. Trung bình mỗi tháng, ông thu hoạch khoảng 20kg trứng ốc bán với giá 300.000 đồng/kg và khoảng 40.000 con ốc giống (2 tuần tuổi) bán với giá 200 đồng/con. Bình quân mỗi tháng, ông thu nhập hàng chục triệu đồng từ ốc giống và ốc thịt.

“Thời gian tới, tôi sẽ tăng số lượng đàn ốc sinh sản để thu số lượng trứng mỗi ngày từ 4-5kg và sản lượng đàn ốc thịt lên 400-500kg/tháng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, nhờ đăng bán trên mạng xã hội nên nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến mua ốc và nhờ tôi tư vấn kỹ thuật nuôi” - CCB Nguyễn Văn Xây cho biết.

Theo Chủ tịch Hội CCB xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh - Lữ Minh Hải, các HV CCB của xã phát huy tốt tinh thần tự lực, tự cường và có tinh thần học hỏi. Trở về sau chiến tranh, khi tham gia lao động, sản xuất, các HV đều nỗ lực học hỏi, chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Với những nỗ lực của mình, CCB Nguyễn Văn Xây nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành về nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi.

Trở về với cuộc sống đời thường, những chiến sĩ trên chiến trường năm xưa như CCB Trương Văn Thành, Nguyễn Văn Xây tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết