1. Năm 1979, ông Châu Văn Sinh (SN 1960, ngụ ấp 6, xã Thạnh Lợi) tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Đến năm 1983, ông xuất ngũ trở về địa phương. Khi lập gia đình, ông được cha mẹ cho ra riêng với 0,2ha đất trồng mía. Những năm đầu, cây mía mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông, thế nhưng theo thời gian, giá cả lên xuống thất thường, lợi nhuận ngày càng giảm, cuộc sống ngày càng khó khăn. Không chùn bước, ông mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để phù hợp với thị trường và thổ nhưỡng địa phương.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vườn chanh của gia đình ông Châu Văn Sinh luôn đạt năng suất cao
Năm 2012, từ nguồn vốn Quỹ Đồng đội được Chi hội Cựu chiến binh ấp 6 hỗ trợ cho mượn không tính lãi và nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 40 triệu đồng, ông Sinh đầu tư trồng chanh không hạt. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vườn chanh của gia đình ông năm nào cũng đạt năng suất cao. Hiện tại, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình ông có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, các con của ông học hành đến nơi, đến chốn, có việc làm ổn định.
2. Năm 1981, ông Hồ Văn Trèo (ấp 6, xã Thạnh Lợi) phục viên trở về địa phương, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng không vì thế mà ông nản lòng. Năm 1982, ông lập gia đình và ra riêng chỉ với 0,1ha đất trồng mía của cha mẹ cho. Thu nhập chẳng bao nhiêu lại phải nuôi 3 người con nhỏ nên cuộc sống gia đình ngày càng chật vật. Trước hoàn cảnh đó, ông quyết định tìm cây trồng khác hiệu quả hơn để sản xuất.
Trong một lần đến nhà người bạn ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, ông thấy nhiều hộ dân nơi đây “phất lên” nhờ trồng chanh không hạt. So sánh về điều kiện thổ nhưỡng thấy tương đồng nên ông mạnh dạn chuyển đổi từ cây mía sang trồng chanh không hạt vào năm 2013.
Chuyển đổi cây trồng phù hợp giúp cựu chiến binh Hồ Văn Trèo (bìa phải) vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá tại địa phương
Với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, ông Trèo áp dụng kỹ thuật chăm sóc bài bản nên vườn chanh phát triển tươi tốt. Nhằm giúp sản phẩm có đầu ra ổn định trên thị trường, ông còn chú trọng đến vấn đề sản xuất sạch. Theo đó, ông sử dụng thuốc, phân bón cho cây chanh đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Nhờ vậy, chanh của gia đình ông được một doanh nghiệp ở TP.Cần Thơ bao tiêu với giá cao hơn thị trường, giúp ông an tâm sản xuất.
Ông Trèo cho biết, chanh không hạt dễ trồng, ít sâu, bệnh lại cho trái quanh năm, thời gian từ trồng đến thu hoạch là gần 2 năm. Ông nhẩm tính, mỗi năm, vườn chanh mang về lợi nhuận khoảng 80-90 triệu đồng. Từ hộ nghèo, nhờ chuyển đổi cây trồng hiệu quả, gia đình ông đã vươn lên có cuộc sống khấm khá.
Là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, ông Sinh và ông Trèo nhiều lần được huyện, xã biểu dương, khen thưởng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, các ông còn thường xuyên giúp đỡ những gia đình hội viên CCB và người dân có hoàn cảnh khó khăn bằng cách cho mượn vốn không tính lãi, chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây chanh,... Bên cạnh đó, các ông còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn./.
Việt Hằng