Tiếng Việt | English

29/11/2021 - 10:16

Những điều cần biết về tiêm phòng HPV ngăn ngừa ung thư cổ tử cung

Trong cuộc sống hiện đại, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, ngăn ngừa các bệnh lý phụ khoa ngày càng được phụ nữ (PN) quan tâm, nhất là ung thư cổ tử cung (UTCTC) - bệnh lý ác tính thường gặp ở PN trên 30 tuổi. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ (BS) CKII Huỳnh Hữu Dũng về tiêm phòng HPV - một trong những biện pháp giúp nữ giới phòng, tránh bệnh UTCTC hiệu quả.

Tiêm vắc-xin HPV là một trong những biện pháp giúp nữ giới phòng tránh bệnh ung thư cổ tử cung hiệu quả

Tiêm vắc-xin HPV là một trong những biện pháp giúp nữ giới phòng tránh bệnh ung thư cổ tử cung hiệu quả

PV: Thưa BS, vắc-xin phòng HPV là gì?

BS Huỳnh Hữu Dũng: HPV là tên viết tắt của Human Papilloma Virus - một loại virút gây u nhú ở người. Hiện có trên 100 type HPV khác nhau nhưng chỉ có một số ít virút có khả năng gây ung thư cao. Không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ bị UTCTC, tuy nhiên, có hơn 95% trường hợp UTCTC phát hiện do virút HPV gây ra. HPV có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc da với da, niêm mạc hầu họng, miệng, qua quan hệ tình dục. Vắc-xin phòng HPV là vắc-xin được chế tạo để chống lại sự viêm nhiễm một số type HPV đặc biệt, cụ thể là phòng 2 type 16, 18 gây UTCTC và 2 type 6, 11 gây sùi mào gà bộ phận sinh dục. Loại vắc-xin này không bắt buộc nhưng khuyến cáo nữ giới tiêm phòng vì hiện chưa có thuốc đặc trị virút HPV gây UTCTC. Do đó, PN trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm vắc-xin HPV càng sớm càng tốt.

PV: Có bao nhiêu loại vắc-xin HPV, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Hiện nay, có 2 loại vắc-xin phòng HPV được sử dụng tại Việt Nam là Gardasil (Mỹ) và Cervarix (Bỉ). Cả 2 loại vắc-xin này an toàn và hiệu quả, có thể giúp giảm nguy cơ UTCTC trên 90% và các tổn thương tiền ung thư trên 60%. Trong đó, Gardasil phòng ngừa 4 loại HPV: Type 6, 11, 16 và 18 (tiêm cho nữ giới từ 9 - 26 tuổi). Gardasil phòng ngừa UTCTC, ung thư âm đạo, ung thư âm hộ, ung thư hậu môn, mụn cóc sinh dục và bệnh lý do nhiễm virút HPV. Cervarix phòng ngừa 2 loại HPV là type 16 và 18 (nữ giới từ 10 - 25 tuổi). Vắc-xin này phòng ngừa UTCTC (ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung). Cả 2 loại vắc-xin này đều gồm 3 mũi. Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất vắc-xin, cần tiêm đủ liều và đúng lịch. Trường hợp để muộn hơn so với lịch tiêm thì nên tiêm mũi bổ sung tiếp theo, không nhất thiết phải tiêm lại từ đầu, nhưng thời gian hoàn tất 3 mũi tiêm không được quá 2 năm.

Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (số 102, Quốc lộ 62, phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An) có đầy đủ vắc-xin để tiêm ngừa UTCTC.

PV: Thưa BS, khả năng lây nhiễm virút HPV có cao không nếu không tiêm vắc-xin?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Nếu chưa tiêm vắc-xin, PN có thể nhiễm virút HPV nếu quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ với nhiều bạn tình, tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở của người bệnh. Ngoài ra, những người có thói quen sử dụng thuốc lá, bị suy yếu hệ miễn dịch cũng dễ bị nhiễm HPV.

Nữ giới từ 9-26 tuổi nên tiêm ngừa HPV trước lần quan hệ tình dục đầu tiên để phòng ngừa ung thư cổ tử cung vì đây là thời điểm vắc-xin hiệu quả nhất

Nữ giới từ 9-26 tuổi nên tiêm ngừa HPV trước lần quan hệ tình dục đầu tiên để phòng ngừa ung thư cổ tử cung vì đây là thời điểm vắc-xin hiệu quả nhất

PV: Những người nên và không nên tiêm ngừa HPV?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Nữ giới ở độ tuổi từ 9-26 tuổi nên tiêm ngừa HPV trước lần quan hệ tình dục đầu tiên để phòng ngừa UTCTC vì đây là thời điểm vắc-xin hiệu quả nhất. Tuy nhiên, PN đã có gia đình, đã quan hệ tình dục hoặc quá độ tuổi vẫn có thể tiêm ngừa HPV. Nếu chưa quan hệ tình dục, các chị em có thể tiêm ngừa HPV mà không cần làm xét nghiệm. Nếu đã quan hệ thì nên đi khám phụ khoa để các BS làm xét nghiệm tầm soát UTCTC. Nói chung, tất cả PN cần được khám sàng lọc trước khi tiêm để bảo đảm an toàn tiêm chủng. Bên cạnh đó, người đang bị sốt cao cấp tính, nhiễm trùng ở cấp độ vừa hoặc nặng thì điều trị dứt điểm mới bắt đầu tiêm vắc-xin. Những người nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin; người bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu; đang có thai hoặc đang cho con bú; đã nhiễm HPV thì không nên tiêm vắc-xin HPV.

PV: Xin cảm ơn BS!./.

Phạm Ngân - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết