Vệ sinh, sát khuẩn định kỳ bằng dung dịch sát khuẩn nhằm tiêu diệt mầm bệnh, bảo vệ sức khỏe của trẻ trước nguy cơ dịch bệnh
*PV: Thưa BS, HS đến trường học tập trực tiếp sẽ có những nguy cơ ảnh hưởng thế nào đối với sức khỏe?
BS CKII Huỳnh Hữu Dũng: Khi HS trở lại học tập trực tiếp, trong môi trường sinh hoạt tập thể, nhất là các trẻ lứa tuổi mầm non, tiểu học sẽ dễ bị lây nhiễm virút, vi khuẩn đường hô hấp như tay - chân - miệng, cúm, nhất là dịch Covid-19.
Trẻ ở độ tuổi nhỏ, thích vui chơi, ý thức giữ gìn vệ sinh cơ thể chưa cao, trẻ cầm nắm đồ chơi, đồ dùng học tập, đưa tay bẩn lên miệng, mũi, không rửa tay thường xuyên, không mang khẩu trang,... trong khi hệ miễn dịch còn non nớt, sức đề kháng kém sẽ dễ bị các mầm bệnh bên ngoài xâm nhập.
Bên cạnh đó, các yếu tố môi trường, thay đổi thời tiết, độ ẩm không khí thấp cũng là nguy cơ gây bệnh đối với trẻ nhỏ. Với các bệnh viêm đường hô hấp cũng có các triệu chứng sốt, ho, khó thở,... tương tự Covid-19. Do đó, phụ huynh, GV càng phải chú ý theo dõi để bảo vệ sức khỏe của trẻ và những người xung quanh.
*PV: Hiện nay, các trường cần chú ý thực hiện những biện pháp gì để phòng dịch Covid-19 hiệu quả?
BS CKII Huỳnh Hữu Dũng: Ngày 21/02/2022, Bộ Y tế ban hành Công văn số 796/BYT-MT về việc hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Trong đó có hướng dẫn quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp F0 trong cơ sở giáo dục; yêu cầu cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả HS phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở,... hoặc có triệu chứng nghi ngờ khác) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0. Đồng thời, việc tổ chức bán trú cho HS bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các HS trong cùng lớp và giữa các lớp.
*PV: BS có những khuyến cáo gì đối với GV, phụ huynh trong việc theo dõi sức khỏe HS, kịp thời xử lý khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh?
BS CKII Huỳnh Hữu Dũng: Việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho trẻ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Dưới góc độ ngành Y tế, chúng tôi khuyến cáo GV nhắc nhở HS tuân thủ nghiêm thông điệp “5K”, đặc biệt là đeo khẩu trang; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc cồn từ 60 độ trở lên vào các thời điểm trước khi vào lớp, trước và sau khi ăn, sau khi ra chơi/nghỉ giữa giờ, sau khi đi vệ sinh hoặc khi tay bẩn.
Học sinh cần rửa tay vào các thời điểm trước khi vào lớp, trước và sau khi ăn, sau khi ra chơi/nghỉ giữa giờ, sau khi đi vệ sinh hoặc khi tay bẩn
Các em cần che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy sạch, khăn tay cá nhân hoặc ống tay áo nhằm tránh phát tán dịch tiết đường hô hấp; vứt khăn giấy sau khi hắt hơi vào thùng rác và rửa sạch tay. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng và không sử dụng chung các đồ dùng cá nhân như ly uống nước, bình nước, khăn tay, chăn, gối,... Lớp học cần thông thoáng, HS phải hạn chế tiếp xúc với nhau, giữ khoảng cách trong giao tiếp.
Bên cạnh đó, tại nhà, phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của con em mình, nhất là trẻ bị béo phì, tiểu đường, sức khỏe kém,... Khi trẻ có các biểu hiện nghi mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở,... hoặc có người nhà là F0 thì phải kịp thời thông tin ngay cho nhà trường, GV chủ nhiệm biết. Các phụ huynh cần đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho con trước khi đưa trẻ đến lớp.
Hiện Bộ Y tế có những bước chuẩn bị tích cực để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi trên tinh thần bảo đảm tính hiệu quả, thận trọng và yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Khi được hướng dẫn, phân bổ vắc-xin thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tham mưu Sở Y tế, UBND tỉnh có kế hoạch triển khai ngay nhằm tạo “lá chắn” an toàn cho các em trước nguy cơ dịch bệnh.
*PV: Xin cảm ơn BS!./.
Phạm Ngân (thực hiện)