Những mâm cỗ chay tiền triệu cúng Rằm
Mâm cỗ chay thuộc hàng “thượng lưu” với 15 món chay như: Súp yến, cá thu sốt, gà đen rang muối, trứng hấp, giò lụa, sườn xào chua ngọt, đậu phụ sốt cà chua có giá lên đến hơn 2 triệu đồng.
Ngày Rằm tháng Giêng (15/1 Âm lịch, còn gọi là lễ Thượng Nguyên, Tết Nguyên tiêu), là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. Vì vậy, người dân các nước châu Á nói chung, người Việt nói riêng coi việc cúng Rằm này là rất quan trọng. Nhiều gia đình mạnh tay chi tiền sắm lễ cúng Rằm rất to, từ vàng mã đến mâm cỗ chay cũng lên đến cả vài triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang ở Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết trên một tờ báo, trước đây, mỗi dịp Tết, cả nhà chị cùng về quê để thắp hương các cụ. Hai vợ chồng thường ghé qua một ngôi chùa lớn ở Bắc Ninh để đặt các sư thầy ở đó làm cỗ chay cho Rằm tháng Giêng luôn. Gần đây, do công việc bận rộn nên đến sát ngày vợ chồng chị mới có thời gian đi đặt cỗ chay “cấp tốc” tại một cửa hàng cỗ chay với giá khá cao. Tính một mâm cỗ hơn chục món cũng có giá vài triệu đồng.
Chị Trang bật mí, mâm cỗ mà chị đặt thuộc hàng “thượng lưu” theo phân loại của nhà hàng, với 15 món chay như: Súp yến, cá thu sốt giá 98.000 đồng/tô, gà đen rang muối giá 120.000 đồng/đĩa, trứng hấp 45.000 đồng/10 quả, giò lụa 45.000 đồng/đĩa, sườn xào chua ngọt 85.000 đồng/đĩa, đậu phụ sốt cà chua 35.000 đồng/đĩa cùng nhiều món khác nữa giá lên đến hơn 2 triệu đồng. Khi chúng tôi thắc mắc về tên gọi của các món chay, chị cho biết tất cả đều được làm bằng bột mì nhưng gọi bằng tên các món như vậy để cho sang mâm cỗ.
Cỗ chay giờ đây đã không còn đơn thuần là rau, dưa, củ quả luộc mà cũng cần cầu kỳ hơn với những món ăn phong phú, đầy màu sắc không kém cỗ mặn. (Nguồn ảnh: internet)
“Không tổ chức thì thôi, nếu đã làm thì dù là món chay cũng phải cho ra trò. Còn nhớ năm ngoái, tôi có dịp đi ăn cỗ chay ở nhà một đối tác làm ăn với chồng. Họ cũng tổ chức 15 mâm cỗ chay. Khi dọn ra thấy vài món lèo tèo như nấm, bún, đậu phụ... khiến ai nấy đều lắc đầu. Sau bữa ăn đó là bao lời xì xầm, rồi chê bai cỗ bàn đạm bạc, sơ sài. Tôi nghe còn thấy ngượng thay cho gia chủ. Rút kinh nghiệm, vợ chồng tôi thống nhất là dù có tốn kém một chút nhưng đặt cỗ chay không được thua kém cỗ mặn”, chị Trang chia sẻ.
Cỗ chay giờ đây đã không còn đơn thuần là rau, dưa, củ quả luộc mà cũng cần cầu kỳ hơn với những món ăn phong phú, đầy màu sắc không kém cỗ mặn như: Xôi vò hạt sen, gà hấp lá chanh, giò lụa, thịt quay, cá xốt ngũ liễu, tôm chiên, sườn xào chua ngọt, khoai lệ phố, nem hoa quả, rau xào ngũ sắc, canh nấm...
Cỗ chay được làm cầu kỳ nhìn không khác gì cỗ mặn. Trong ảnh là món cá thu sốt cà chay.
Gà hấp chay.
Với phương châm "mặn có gì, chay có đấy", các nhà hàng cơm chay luôn cố gắng cung cấp đa dạng thực đơn đến người tiêu dùng. Tiêu biểu như chân giò chay giá 60.000 đồng/ chiếc, giò chay giá từ 60.000 - 120.000 đồng/gói tùy loại, cá chép chay giá 65.000 đồng. con, bên cạnh đó, các món ăn được chế biến từ tôm, mề có giá từ 80.000 - 100.000 đồng/ món tùy theo nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngoài mâm cỗ chay giá bình dân trên dưới 1 triệu đồng, tại một cửa hàng chay trên phố Nguyễn Khuyến (Đống Đa, Hà Nội) mức giá cao nhất cho cỗ chay lên đến 1.800.000 đồng/ mâm, số lượng món cho mâm cỗ này chỉ từ 7 - 9 món song hầu hết là các đặc sản vùng miền, hải sản, đồng thời được trang trí khéo léo, tỉ mỉ hơn dành cho những gia đình có điều kiện "Cỗ chay được đặt để dâng cúng ông bà tổ tiên nên ít người tiêu dùng thắc mắc hay kì kèo về giá cả", nhân viên tại nhà hàng chay cho biết./.
K. Minh/vietnamnet.vn (tổng hợp)
- 'Nét Việt Nam': Hành trình khám phá di sản văn hóa dân tộc của Gen Z (23/01)
- Ánh lửa đêm giao thừa (21/01)
- Lấy ý kiến nhân dân về việc xét tặng danh hiệu 'Nghệ nhân nhân dân', 'Nghệ nhân ưu tú' (21/01)
- Chuyện cây di sản ở Châu Thành (20/01)
- Đẹp mãi tà áo dài truyền thống (20/01)
- Sôi nổi Hội thi Giọng hát hay Bolero huyện Thủ Thừa lần thứ VII (20/01)
- Hơi ấm đêm xuân (19/01)
- Nhạc sĩ sáng tác về mùa xuân (19/01)