Tiếng Việt | English

28/01/2016 - 19:48

Những người không mong tết

Đó là câu chuyện của những người con là công nhân, sinh viên vì hoàn cảnh khó khăn mà tết đến không thể về quê sum họp cùng gia đình

 

Bạn Hồ Quyết Thắng ghi hồ sơ xin việc sau khi thi xong môn cuối sáng 27-1 trước cổng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM - Ảnh: Phước Tuần

Ngày tết về, họ vẫn gắng bám trụ lại thành phố để mưu sinh.

Nín nhịn cho qua tết

6g sáng, anh Nguyễn Văn Chấn, công nhân Công ty TNHH Sài Gòn Precision (Khu chế xuất Linh Trung 1) rời khỏi cổng công ty với vẻ mặt mệt nhoài sau ca làm việc suốt đêm. Anh Chấn cho biết đã ba năm rồi chưa về quê nhà ở Bình Định đoàn tụ cùng gia đình dịp tết.

Năm 2007, sau một tai nạn giao thông, anh Chấn phải cắt bỏ một phần chân phải. Năm 2009, anh tốt nghiệp ĐH và xin vào làm công nhân cơ khí tại Công ty TNHH Sài Gòn Precision, vợ anh cũng làm công nhân cho một công ty da giày.

Năm 2014, vợ chồng anh đón thêm thành viên mới là một bé trai nhưng khi con hơn 8 tháng tuổi, anh chị phải gửi cho bà ngoại ở huyện Hoài Ân, Bình Định chăm sóc.

“Ngày tết đi về tiền xe cộ đắt đỏ, thay vì về quê tôi và vợ quyết định dành số tiền đó gửi về cho cha mẹ phụ chăm sóc con. Qua tết có điều kiện sẽ về thăm gia đình sau. Ngày tết gia đình người ta đoàn tụ cùng cha mẹ, con cái được cha mẹ mua sắm quần áo mới, còn vợ chồng tôi chỉ biết gửi lời chúc phúc đến cha mẹ và con qua những cuộc điện thoại” - anh Chấn chia sẻ.

Ngồi trầm ngâm một hồi, anh nói: “Con trai gửi về quê cho bà ngoại chăm sóc khi hơn 8 tháng tuổi nên nhớ lắm nhưng biết làm sao được. Nhiều lúc qua điện thoại nghe tiếng con bập bẹ, lòng vui lắm nhưng nước mắt cứ chảy dài”.

Lâu nay cứ dịp tết về, anh chị gom góp những món quà nhỏ của công ty và các mạnh thường quân trao tặng, cộng thêm ít tiền dành dụm để gửi về quê làm quà cho cha mẹ hai bên.

Cầm xấp vé số trên tay, đi bộ hết con hẻm này đến đường khác để mời khách mua là việc thường nhật của anh Trần Văn Hùng (quê Thừa Thiên - Huế) sau khi tan ca làm công nhân.

Hằng ngày anh đi làm công nhân chà nhám tại một xưởng mộc trên đường Lê Trọng Tấn, Q.Bình Tân. Những ngày không có việc hay buổi tối anh lại tranh thủ đi bán vé số để kiếm thêm thu nhập.

Năm nay là cái tết thứ tư anh đón tết xa gia đình. Anh bảo tiền công mỗi ngày được 150.000 đồng nhưng không phải ngày nào cũng có việc, vì vậy phải tranh thủ bán thêm vé số.

“Đã ba năm rồi tôi đón tết ở Sài Gòn. Tiền đâu mà về quê chứ! Làm đủ trả tiền phòng trọ, đủ lo ăn uống hằng ngày là mừng rồi. Mấy năm trước, tết nào tôi cũng đi bán vé số” - anh nói.

Câu chuyện công nhân không về quê đón tết có muôn vàn hoàn cảnh. Éo le nhất là những công nhân bị mất việc ngay những ngày cuối năm.

Vợ chồng anh Văn Đức Thọ (ở Thừa Thiên - Huế) là một trường hợp như vậy. Hai vợ chồng làm công nhân, chị vợ công việc không ổn định, còn anh Thọ vừa thất nghiệp.

“Hai vợ chồng tính năm nay dành dụm ít tiền về quê sum họp cùng cha mẹ vì cha mẹ đã già mà thường xuyên bệnh tật. Nhưng oái ăm thay tôi vừa thất nghiệp, tiền đâu mà về. Tết ở lại xem ai có thuê gì không thì làm chứ 
biết sao giờ” - anh Thọ nói.


nh Trần Văn Hùng (đứng) tranh thủ đi bán vé số để kiếm thêm thu nhập sau những giờ làm công nhân ở xưởng mộc - Ảnh: Quang Phương

Làm thêm kiếm tiền lo việc học

Năm nào cũng có hàng nghìn sinh viên ở lại thành phố đón tết. Họ lấy công việc làm thêm kiếm tiền để gác lại nỗi nhớ gia đình.

Tại dãy trọ hơn 10 phòng ở con hẻm trên đường Tây Hòa (Q.9), Hồ Quyết Thắng đượm buồn khi nhìn những người bạn lần lượt đến chào để về quê ăn tết. Đây là năm thứ hai chàng trai quê Quỳnh Lưu, Nghệ An đang học ngành du lịch (Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) ở lại thành phố làm thêm dịp tết.

Thắng chia sẻ: “Giá vé xe giường nằm tuyến Sài Gòn - Nghệ An ngày 22 tết giá 1.350.000 đồng/vé (chưa bao cơm) rồi, nếu cả đi và về tốn gần 3 triệu đồng. Ở lại Sài Gòn đón tết tôi đi làm thêm kiếm chút ít ra tết đóng tiền học”.

Hiện Thắng đã nộp đơn xin việc tại một công ty lữ hành để phụ tour dịp tết.

Thắng cho biết năm trước ở lại thành phố đi làm phục vụ với bạn bè, năm nay muốn làm thêm trong công ty lữ hành để vừa kiếm tiền vừa được rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ nghề nghiệp.

Với Bùi Hữu Thành (SV năm 4 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) đây là năm thứ hai Thành ở lại Sài Gòn làm thêm dịp tết. Quê Thành ở huyện Hải Hậu (Nam Định), bố mẹ đã lớn tuổi, anh chị làm công nhân ở Hà Nội.

Thành kể tết năm ngoái làm bảo vệ ở đường hoa Hàm Nghi, ngoài tiền lương thì nhiều khách đi chơi xuân biết mình sinh viên đi làm nên lì xì thêm, hết tết Thành có đủ tiền đóng học phí cho học kỳ 2.

Thành cho biết hiện đã xin được việc làm ở công ty tổ chức sự kiện với mức lương 300.000 đồng/ngày.

“Cứ xem đón tết xa nhà như là một trải nghiệm mới của tuổi trẻ. Qua tết, đi thực tập xong tôi sẽ về nhà thăm gia đình vì hai năm rồi chưa về quê” - Thành nói.

Theo anh Nguyễn Trọng Hoàng - trưởng phòng chăm sóc đời sống Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, năm nay có gần 5.000 sinh viên các tỉnh đang học tập tại TP.HCM không về quê ăn tết. Tính đến nay, trung tâm đã giới thiệu được hơn 2.500 đầu việc cho sinh viên làm thêm dịp tết. Hết tuần này, khi các trường kết thúc lịch học thì dự kiến trung tâm giới thiệu thêm hơn 1.500 đầu việc.

“Sinh viên ở lại chủ yếu để tiết kiệm tiền đi lại dịp tết, cộng thêm các bạn muốn tranh thủ làm thêm dịp tết tiền lương tăng cao để trang trải học phí, sinh hoạt phí trong học kỳ 2 sắp tới” - anh Hoàng lý giải.

Thông tin từ ban quản lý ký túc xá các trường ĐH, CĐ, số lượng sinh viên ở lại TP.HCM đón tết cũng khá cao.

Bà Phùng Thị Hương Lan, phó giám đốc ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết hiện có 77 sinh viên đăng ký ở lại ký túc xá dịp tết năm nay.

Trường ĐH Văn hóa TP.HCM thông tin có hơn 100 sinh viên của trường ở lại đón tết. Nhà trường sẽ tổ chức tiệc tất niên, tặng quà cho số sinh viên này vào ngày 26 tết.

Ban quản lý ký túc xá các trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng cũng thông tin mỗi ký túc xá có từ 30-100 sinh 
viên đăng ký ở lại.

 

Lo tết cho công nhân, sinh viên xa quê và trẻ em nghèo

“Vui Tết Bính Thân 2016 cùng thanh niên công nhân xa quê” sẽ được Thành đoàn TP.HCM tổ chức tại 10 khu lưu trú, khu nhà trọ có đông thanh niên công nhân ở một số quận, huyện của TP.HCM.

Chương trình dành cho công nhân hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê ăn tết tham gia các sân chơi, giao lưu văn nghệ, tiệc nhẹ và nhận quà tặng (500.000 đồng/phần), diễn ra đến ngày 4-2 (26 tháng chạp âm lịch).

Trong khi đó, dự kiến có 1.500 phần quà xuân được dành tặng các sinh viên xa nhà không có điều kiện về quê đón tết ở lại thành phố năm nay.

Hiện số sinh viên xa nhà đăng ký tham gia chương trình diễn ra vào chiều 29-1 đã vượt con số trên và Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM đang cân đối để đảm bảo tặng quà đúng đối tượng, mang lại cái tết xa quê đầm ấm cho các bạn.

Dự kiến cũng sẽ có 1.000 trẻ em (6 - 15 tuổi) tham dự chương trình “Tổ ấm ngày xuân”. Đây là chương trình truyền thống được Thành đoàn tổ chức hằng năm dành cho trẻ em nghèo tự mưu sinh kiếm sống, trẻ sống tại các nhà mở, mái ấm, cơ sở xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Chương trình diễn ra vào ngày 3-2 (25 tháng Chạp âm lịch) tại công viên Tao Đàn với các hoạt động vui chơi mừng xuân và tặng quà, lì xì cho các bạn nhỏ.

Q.Linh/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết