Tiếng Việt | English

05/01/2016 - 10:45

Công nhân chưa dám nghĩ đến tết

Năm 2015 qua đi và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đang cận kề. Nhưng đối với những công nhân lao động, nhất là công nhân lao động nhập cư, nhiều người vẫn chưa dám nghĩ đến tết. Vì cuộc sống của họ vẫn chỉ lặp đi lặp lại với điệp khúc quen thuộc “sáng đi làm, chiều tăng ca, tối vội vàng ra chợ mua ít thực phẩm, nấu ăn rồi nghỉ ngơi để lấy lại sức cho một ngày làm việc tiếp theo” và chờ lương mới…


Lãnh đạo các ngành chức năng thăm hỏi, tặng quà, động viên những công nhân không có điều kiện về quê ăn tết

Nhọc nhằn lo chuyện ăn ở

Đối với công nhân lao động, có một bữa ăn đủ no và một chỗ để ngả lưng là điều cần thiết hơn cả. Cuộc sống khó khăn cùng với đồng lương eo hẹp khiến những công nhân lao động nghèo chỉ dám mua những món đồ rẻ tiền và chất lượng đôi khi cũng không được quan tâm. Dạo một vòng quanh các khu công nghiệp (KCN) vào giờ tan ca, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những công nhân tất bật ghé vào các chợ lề đường mua thực phẩm, chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Đây là những khu chợ có giá bán rẻ, với đầy đủ các mặt hàng từ thịt, cá, rau, củ, quả,… Và người tiêu dùng không ai khác chính là những công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp gần đó.

Em Nguyễn Thị Hồng Hạnh, công nhân Công ty Nhựa Duy Tân, KCN Tân Đức, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An chia sẻ: “Tụi em phần đông là những người từ nơi khác đến ở trọ gần xí nghiệp để đi làm. Với đồng lương chỉ khoảng 4,5 triệu đồng/tháng nhưng phải chi rất nhiều khoản, từ tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền xăng xe,… Nếu không biết chi tiêu tiết kiệm thì cũng không đủ sống nên chúng em chưa dám nghĩ đến việc ăn ngon, bảo đảm chất lượng. Một tháng 30 ngày, tụi em chỉ được ăn thịt, cá khoảng vài ba ngày là sang lắm rồi, những ngày còn lại chỉ toàn rau với rau, khá hơn thì có thêm cái hột vịt luộc hoặc chiên”.


Bữa cơm của công nhân lao động tại nhà trọ

Ai cũng biết, chất lượng bữa ăn liên quan mật thiết đến sức khỏe con người. Thế nhưng, những công nhân lao động nghèo dường như không mấy quan tâm đến điều đó. Hiện nay, thịt heo ở chợ thường được bán với giá dao động từ 85.000-110.000 đồng/kg, trong siêu thị có giá cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg (95 đến 120 ngàn), nhưng tại một chợ ven đường gần KCN Thuận Đạo, công nhân có thể mua chỉ với giá từ 65.000 đồng/kg, nếu kỳ kèo, mặc cả sẽ được bớt thêm vài ngàn, thậm chí cả chục ngàn đồng/kg. Nếu quan sát kỹ những miếng thịt được bán tại đây, chúng ta dễ dàng nhận ra, thịt khô, teo lại và không còn tươi mới, màu sắc sậm hơn, có khi ruồi nhặng bám đầy. Còn đối với những loại cá biển như cá nục, cá ngừ, nếu trong siêu thị có giá khoảng từ 55.000-80.000 đồng/kg, thì tại các chợ tự phát giá chỉ từ 35.000 đồng/kg.

Chị Lê Thị Tuyền, công nhân Công ty Giày ChingLuh, KCN Thuận Đạo cho biết: “Hàng hóa ở đây chủ yếu là thực phẩm ế ở các chợ dạt về. Thường thì các chợ này họp vào khoảng 16 giờ đến gần 19 giờ mỗi ngày. Tụi em tan ca cũng tiện đường ghé vào đây mua thức ăn cho bữa cơm chiều. Ở đây, người bán cứ bán, người mua vẫn cứ “vô tư” mua, hầu như không ai có khái niệm về cụm từ “an toàn vệ sinh thực phẩm” mà nếu có thì cũng rất mơ hồ”.

Một ngày làm việc kết thúc, đâu đó trên mọi nẻo đường, chúng tôi lại bắt gặp từng tốp nam, nữ công nhân, sau một ngày lao động, lại hối hả đi chợ và trên tay họ là những túi rau, dưa, củ quả, cá khô,... để lo bữa cơm chiều. Đời sống công nhân là vậy. Niềm vui và mơ ước của họ cũng thật giản đơn. Họ đang đau đáu nỗi niềm ước mơ được nâng tiền lương và thưởng tết để cải thiện đời sống.


Công nhân Công ty Giày ChingLuh, KCN Thuận Đạo, huyện Bến Lức sau giờ tan ca

Chưa dám nghĩ đến Tết

Năm 2015 kết thúc, nhưng theo thông tin từ Ban Chính sách Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện vẫn chưa có doanh nghiệp nào báo cáo tình hình lương, thưởng tết cho công nhân lao động.

Em Trần Nhật Huy, quê ở Đồng Tháp, đang làm công nhân cho Công ty thức ăn gia súc CJ, KCN Long Định-Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An buồn bã cho biết: “Không biết năm nay, tụi em có được về quê không nữa. Em làm ở đây hơn 3 năm, dù sao cũng quen rồi, chỉ tội nghiệp mấy em mới vô ở chung dãy nhà trọ làm ở các công ty khác, cũng chưa nghe nói gì về tiền thưởng tết cả”.

Cùng chung tâm trạng với Huy, bạn Châu Thị Thủy, công nhân Công ty Tanimex-LA, ở khu nhà trọ tại phường 6, TP.Tân An tâm sự: “Vợ chồng em từ Hải Dương vào đây thuê nhà trọ đi làm, thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 9 triệu đồng, nhưng phải chi tiêu nhiều thứ. Dù cố tằn tiện lắm mỗi tháng, em cũng chỉ tiết kiệm được gần 3 triệu đồng gửi về quê cho ông bà nuôi 2 đứa con. Chúng em làm ở đây cũng được hơn 5 năm. Những năm trước, nếu làm tốt mỗi dịp tết, tụi em được hưởng tháng lương 13, nhưng đến nay vẫn chưa nghe nói gì nên mọi người rất lo lắng”.

Còn anh Hoàng Văn Đức, quê Nghệ An, công nhân Cty Cổ phần Bê tông miền Nam, KCN Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An cho biết: “Tết này, tôi cùng vợ và đứa con 3 tuổi không về quê ăn tết cho đỡ tốn chi phí. Thường thì hằng năm, Cty đều có tiền thưởng tết, ít nhất là 1 tháng lương, nhưng vợ chồng tôi để dành số tiền đó gửi về quê cho cha mẹ hai bên lo cái tết tươm tất hơn một chút”.

Tết! Ai cũng muốn được đoàn tụ cùng gia đình, người thân. Nhưng, đối với công nhân xa nhà thì chờ lương, thưởng, mới có quyết định cuối cùng!

Trưởng Phòng việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Châu Công Rỡ cho biết:

Phòng đã gửi văn bản thông báo đến tất cả các doanh nghiệp (DN) yêu cầu phải báo cáo tình hình thưởng tết cho công nhân trước ngày 30-12-2015, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức của DN. Do đó, chúng tôi chưa thể đánh giá được mức thưởng có tăng hay giảm so với các năm trước.

Theo báo cáo việc thưởng Tết Dương lịch năm 2015 từ các DN: Đối với DN tư nhân, mức thưởng cao nhất là 25 triệu đồng/người; DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 21 triệu đồng/người (mức thưởng bình quân của DN tư nhân là 3,1 triệu đồng/người, DN FDI là 2,6 triệu đồng/người và DN cổ phần có vốn của Nhà nước là 300.000 đồng/người).

Tết Nguyên đán năm 2015, mức thưởng cao nhất của DN tư nhân là 27,3 triệu đồng/người; DN FDI là 161 triệu đồng/người; DN cổ phần có vốn Nhà nước mức thưởng cao nhất là 21,2 triệu đồng/người (bình quân mức thưởng Tết Nguyên đán của DN cổ phần có vốn Nhà nước là 6,2 triệu đồng/người; DN FDI là 4,2 triệu đồng/người và DN tư nhân là 4,3 triệu đồng/người). Các mức thưởng này tính tương đương với 1 tháng lương tại các DN (thường được các DN gọi là thưởng tháng lương thứ 13).

Song Hồng

Chia sẻ bài viết