Giỏi việc nước, đảm việc nhà
Chị Nguyễn Thị Anh Thư (ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) được biết đến là người năng nổ trong các phong trào thi đua. Trong vai trò Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp (LH) PN xã, chị vận động hội viên (HV), PN, người dân hiến đất, góp công làm đường giao thông nông thôn.
Đồng thời, chị cùng HVPN tham gia bảo vệ môi trường, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Tại xã Bình Hòa Nam có các tuyến đường kiểu mẫu, tuyến đường xanh, sạch, đẹp tổng chiều dài 6,6km, trong đó Hội LHPN xã quản lý 1,9km. Hay đó là mô hình Phòng, chống rác thải nhựa; Bếp ít khói; Giỏ xách đi chợ; Phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình;…
Huyện Đức Huệ là địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh nên cuộc sống người dân vẫn còn khó khăn so với những địa phương khác, vì vậy, chị thường xuyên vận động tặng quà cho hộ nghèo, xây dựng mái ấm tình thương cho người dân gặp khó khăn về nhà ở,...
Chị Nguyễn Thị Anh Thư (bìa phải) trao tiền hỗ trợ cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn
Không chỉ làm tốt công tác xã hội, chị Thư còn được biết đến là người con hiếu thảo, người vợ đảm đang. Chồng chị là dân quân thường trực xã, thường xuyên vắng nhà, gia đình có con nhỏ, cha mẹ chồng lớn tuổi, chị vẫn sắp xếp chu toàn chuyện nhà với việc xã hội. Với chị, làm hết việc chứ không hết giờ. Điều mà nhiều người nhận thấy ở chị là tinh thần tận tụy, cống hiến hết mình trong công việc dù phụ cấp chị nhận không bao nhiêu.
Chị Thư bộc bạch: “Vợ chồng tôi động viên, chia sẻ lẫn nhau trong mọi chuyện. Tôi tâm niệm, đã nhận nhiệm vụ thì phải cố gắng hết mình. Tôi cũng may mắn khi được chồng thấu hiểu, cha mẹ chồng thương yêu, cơ quan tạo điều kiện. Nhờ đó, tháng 5/2023, tôi đã hoàn thành chương trình và nhận bằng đại học ngành Luật của Trường Đại học Trà Vinh”. Để có thêm nguồn thu nhập, vợ chồng chị còn canh tác 1ha đất trồng chanh.
Thời gian qua, chị được nhận giấy khen của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới; bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”;…
Rèn chữ, rèn người
30 năm gắn bó với nghề giáo, cô Lê Thị Hiểu - giáo viên (GV) Trường Tiểu học Khánh Hậu, TP.Tân An, đã trở thành người mẹ hiền giúp học sinh biết những câu chữ đầu tiên trong cuộc đời.
Cô Hiểu tâm niệm: “Là GV bậc tiểu học, tình cảm đối với học sinh lại càng thân thiết như người mẹ thứ 2, không chỉ truyền con chữ mà tôi còn chăm sóc các em như những đứa con của mình”.
Sự động viên từ gia đình giúp cô Lê Thị Hiểu hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy
Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, cô Hiểu được phân công về dạy ở Trường Tiểu học Đặng Thị Mành (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường). Cũng như những GV khác, cô Hiểu khi ấy ở độ tuổi đôi mươi vẫn luôn kiên trì vượt khó để gieo con chữ nơi biên cương. Sau này, vì hoàn cảnh gia đình, cô và chồng cùng chuyển công tác về TP.Tân An.
Cô Hiểu nói: “Ngày cả nhà chuyển đi, cảm xúc vui, buồn lẫn lộn vì tôi đã công tác ở ngôi trường cũ nhiều năm. Tôi luôn dặn lòng dù ở đâu thì mình vẫn cống hiến vì sự nghiệp “trồng người” và hết lòng trong công việc”.
Là GV tiểu học, theo cô Hiểu, điều quan trọng không chỉ có chuyên môn, nghiệp vụ mà cần phải có tình yêu trẻ. Nhiều năm làm GV chủ nhiệm lớp 1, cô cho rằng, các em mới chuyển từ bậc mầm non sang tiểu học nên còn nhiều bỡ ngỡ, GV không chỉ rèn chữ mà còn phải rèn người. “Mình yêu trẻ, có tình cảm với trẻ thì sẽ làm tốt được công việc” - cô Hiểu nói.
Đến nay, cô Hiểu đã giảng dạy tại Trường Tiểu học Khánh Hậu, TP.Tân An được 8 năm. Để giúp học sinh vượt qua tâm lý “sợ học, sợ đến trường” thì sự yêu thương, nhẹ nhàng cùng các hoạt động vui tươi tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ là điều cô Hiểu luôn thực hiện mỗi khi đứng lớp.
Trong quá trình giảng dạy, cô có nhiều sáng kiến kinh nghiệm phù hợp với lứa tuổi của các em. Đặc biệt, trong những giờ lên lớp, cô thường dành thời gian để rèn luyện cho những học sinh chưa tiến bộ. Cô vừa dạy, vừa học liên thông lên đại học với mong muốn nâng cao trình độ, nắm bắt được những phương pháp mới để có thể truyền đạt những kiến thức đến học sinh một cách tốt nhất.
Ngoài thời gian công tác, trở về với gia đình, cô Hiểu cũng “tròn vai” khi có sự hỗ trợ, chia sẻ từ chồng cũng là đồng nghiệp. Vợ chồng chung nghề nên có nhiều điều kiện thuận lợi, cả hai cùng vun vén hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con (người con trai của vợ chồng cô hiện là sinh viên năm thứ ba, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ).
Với sự tận tâm và động lực từ gia đình, nhiều năm liền, cô Hiểu đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh; nhiều giải thưởng trong các cuộc thi GV dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; đang làm thủ tục để xét công nhận Nhà giáo ưu tú;...
Chăm lo cho hội viên, phụ nữ
Gắn bó với công tác PN khoảng 20 năm và có 8 năm làm Chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giuộc, chị Huỳnh Thị Tuyết Hồng hiểu những vất vả, khó nhọc của PN nông thôn.
Chị thường xuyên đi cơ sở, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của chị em để xây dựng những mô hình hợp lý, đề xuất với lãnh đạo cấp trên cùng giải quyết những vướng mắc từ cơ sở. Chừng ấy năm làm Chủ tịch Hội LHPN xã, chị khởi xướng, duy trì và nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của HVPN. Nổi bật là hoạt động chăm lo, tạo điều kiện cho PN, tập hợp HV, hỗ trợ trẻ em qua chương trình Mẹ đỡ đầu, hỗ trợ PN khởi nghiệp,... Cũng chính vì đi cơ sở nhiều, được tiếp cận, lắng nghe những tâm tư, tìm hiểu hoàn cảnh của PN, chị vận động xây tặng nhiều mái ấm tình thương cho PN gặp khó khăn về nhà ở.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cần Giuộc trao quà cho hội viên, phụ nữ ở biên giới
Trong câu chuyện chị kể, chúng tôi cảm nhận niềm vui hiện lên trong ánh mắt của người cán bộ Hội, từ việc chị tập hợp, phát triển HV đến đổi mới hình thức sinh hoạt nhằm thu hút chị em tham gia. Chị Hồng chia sẻ: “Những ngày đầu, nhiều PN chưa tin tưởng, không tha thiết với hoạt động Hội. Chúng tôi cùng những cán bộ tâm huyết đi giải thích, vận động. Cực nhất là những cán bộ Hội cơ sở, phải bỏ thời gian, công sức đi thuyết phục. Thời đại công nghệ 4.0, chúng tôi cũng phải vận động những HVPN lớn tuổi thay đổi cách làm việc, phải động viên, khích lệ cán bộ Hội ở cơ sở để củng cố, duy trì các phong trào. Đồng thời, Hội còn chăm lo, hỗ trợ PN phát triển kinh tế gia đình”.
Hội LHPN huyện và cơ sở còn quản lý tốt nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, các tổ tiết kiệm tín dụng,... giúp nhiều lượt PN có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Đây cũng là đơn vị có nhiều hoạt động hỗ trợ PN khởi nghiệp, giúp chị em cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu. Song hành cùng công việc chuyên môn, chị Hồng vẫn làm tốt vai trò người mẹ, người vợ trong gia đình.
Chị Hồng cho hay: “Tôi được chồng động viên, hỗ trợ nên mới làm tốt công tác xã hội. Ngược lại, tôi cũng sắp xếp thời gian một cách khoa học, có kế hoạch cho cả công việc và gia đình. Là PN mình phải khéo léo, chu toàn cho gia đình thì mới tạo động lực để yên tâm công tác”.
Chị Huỳnh Thị Tuyết Hồng cùng đơn vị tài trợ và chính quyền địa phương hỗ trợ mái ấm tình thương cho phụ nữ gặp khó khăn về nhà ở
Với những thành tích đạt được, chị Hồng nhận nhiều giấy khen, bằng khen từ huyện đến tỉnh trong các phong trào thi đua. Riêng Hội LHPN huyện nhiều năm được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đứng đầu Cụm thi đua số 2; vinh dự nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam vì có thành tích xuất sắc năm 2022.
Đối với PN, để cống hiến, sáng tạo, làm việc tốt thì sự cố gắng của họ phải rất nhiều. Bằng tinh thần nhiệt huyết, họ không ngại khó khăn, phát huy trí tuệ, nỗ lực cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước./.
Thanh Nga