Tiếng Việt | English

30/07/2015 - 18:19

Những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người hút thuốc

Thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc. Trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. Hút thuốc ở phụ nữ mang thai gây các ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Ảnh minh họa: Internet

Những bệnh do thuốc lá gây ra

Tính chung trên toàn thế giới, thuốc lá gây ra 90% các trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Hầu hết các trường hợp bệnh tim mạch và đột quỵ đều do xơ cứng động mạch. Và, hút thuốc đẩy nhanh quá trình này, kể cả ở những người trẻ. Khói thuốc lá làm tổn thương trật tự tế bào trong mạch máu và tim, gây sưng mạch và ngăn dòng máu mang oxy đến tim. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện khối máu đông, có thể dẫn đến cơn đau tim hoặc đột quỵ. Một điều may mắn là nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ sẽ giảm khi bỏ thuốc. Một năm sau khi bỏ thuốc, nguy cơ mắc bệnh mạch vành sẽ giảm xuống một nửa. Sau 15 năm, nguy cơ sẽ giảm xuống như một người chưa từng hút thuốc.

Những phụ nữ hút thuốc sẽ khó có thai hơn hoặc có nguy cơ bị vô sinh. Ngoài ra, những phụ nữ hút thuốc trong thời gian mang thai có nhiều nguy cơ gây biến chứng thai sản, ví dụ: Nhau thai phát triển quá gần vào cửa tử cung, sẩy thai, sinh non, sinh thiếu cân, thai chết lưu và tử vong trẻ sơ sinh.

Hút thuốc thụ động và các tác hại

Hút thuốc thụ động là hít phải khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc chứa hàng nghìn hóa chất, trong đó có ít nhất là 250 chất là chất độc hại có thể gây ung thư. Do đó, hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em.

Ở người lớn hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân.

Ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.Ở Việt Nam, có 73,1% người không hút thuốc (khoảng 33 triệu người) bị hút thuốc thụ động tại nhà; 55,9% người lao động (trên 5 triệu người) bị hút thuốc thụ động tại nơi làm việc.Theo điều tra Y tế quốc gia 2001-2002, trên 70% trẻ em dưới 5 tuổi sống trong các gia đình có người hút thuốc.

Theo kết quả điều tra hút thuốc trong học sinh 13-15 tuổi tiến hành năm 2007, có gần 60% học sinh nhóm tuổi này thường xuyên bị hút thuốc thụ động tại nhà và trên 70% bị hút thuốc thụ động tại nơi công cộng.

Những hậu quả của việc hút thuốc lá

Trên toàn cầu, sử dụng thuốc lá gây tử vong trên 5 triệu người/năm. Con số này có thể sẽ tăng lên trên 8 triệu người/năm vào năm 2020. Nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá không được thực hiện hiệu quả thì trong thế kỷ này thuốc lá sẽ giết chết khoảng 1 tỉ người.

Tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá giết chết hơn 40.000 người/năm. Điều này có nghĩa là mỗi ngày có hơn 100 người chết vì những bệnh do hút thuốc gây nên. Dự đoán con số này có thể sẽ tăng lên thành 70.000 người/năm vào năm 2030.

Thuốc lá gây ra chi phí khổng lồ về chăm sóc y tế cho những người bị bệnh do hút thuốc lá. Thêm vào đó là tổn phí do giảm năng suất lao động, hỏa hoạn và những tổn hại cho môi trường. Trên toàn thế giới, ước tính mỗi năm thuốc lá gây ra thiệt hại khoảng 500 tỉ đô la Mỹ.

Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội, năm 2007, chi phí chăm sóc và điều trị cho 3 căn bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra (ung thư phổi, viêm phổi tắc nghẽn mãn tĩnh và nhồi máu cơ tim) là hơn 2.304 tỉ đồng. Đây mới chỉ tính chi phí trực tiếp 3 bệnh trong số 25 căn bệnh do thuốc lá gây ra. Nếu tính cả chi phí gián tiếp gây ra cho xã hội và tính đủ các căn bệnh thì con số tổn thất sẽ cao hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, các hộ nghèo có người hút thuốc sẽ bị mất một khoản đáng kể trong thu nhập khiêm tốn của họ vào việc mua thuốc lá. Trung bình ở các nước, các hộ nghèo có người hút thuốc phải tiêu tốn từ 3% đến 15% thu nhập của cả hộ gia đình cho thuốc lá. Các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay cho giáo dục./.

Thanh Bình 

Chia sẻ bài viết