Tiếng Việt | English

25/02/2022 - 09:22

Những tấm gương vì sức khỏe nhân dân

Thời gian qua, đội ngũ cán bộ y tế (CBYT) hết lòng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của người thầy thuốc, nhất là phát huy vai trò nòng cốt trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Long An. Ngành Y tế xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, hết lòng vì công tác chống dịch, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Nỗ lực cứu bệnh nhân từ tay “tử thần”

Sứ mệnh của người thầy thuốc là giúp các bệnh nhân (BN) hồi phục sức khỏe, giành lại sự sống trong cơn “thập tử nhất sinh”. Đặc biệt, trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, tại các bệnh viện (BV) dã chiến điều trị BN Covid-19 nặng, sự vất vả của các y, bác sĩ (BS) là không thể kể hết.

Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, BV Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa - BS CKI Nguyễn Minh Trí là một trong những cá nhân có nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc, điều trị BN Covid-19. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, đơn vị nơi anh công tác trở thành BV Hồi sức BN Covid-19 tại BV Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, anh được phân công là Trưởng khu Hồi sức cấp cứu, trực tiếp điều trị BN Covid-19 nặng.

Thời điểm ấy, dịch bệnh diễn biến phức tạp, BV tiếp nhận nhiều ca nặng, chứng kiến nhiều BN chuyển nặng, thậm chí có những người trẻ vẫn không thể chống chọi với dịch bệnh và qua đời, anh và các đồng nghiệp cảm thấy áp lực và trăn trở vô cùng.

Đợt dịch bùng phát tuy vất vả nhưng bác sĩ Nguyễn Minh Trí (thứ 2, từ trái qua) và các đồng nghiệp học hỏi được nhiềukinh nghiệm hay, kỹ thuật mới trong điều trị bệnh nhân

Anh chia sẻ, chưa bao giờ anh và các đồng nghiệp phải đối mặt với dịch bệnh căng thẳng như thế. Khu anh phụ trách có 20 giường nhưng đỉnh điểm thì kín giường với 12-14 ca thở máy, có ca thở máy hơn 20 ngày, áp lực với CBYT là rất lớn. Dần dần, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tuân thủ theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế cũng như liên hệ các thầy tại Đại học Y Dược TP.HCM, sự hỗ trợ của đồng nghiệp từ BV Chợ Rẫy, BV Đa khoa Long An cũng như các tỉnh bạn như Bắc Ninh, Bắc Giang, CBYT đơn vị nỗ lực hết mình để “chiến đấu” với dịch bệnh, giành giật mạng sống, sức khỏe cho BN.

BS Trí chia sẻ: “Nhiều ngày liền không thể về nhà, tôi rất nhớ các con, bà xã là đồng nghiệp nên động viên, chia sẻ với tôi rất nhiều. Đợt dịch này tuy vất vả nhưng chúng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay, kỹ thuật mới và có thể thực hiện thành thạo lọc máu liên tục, đặt nội khí quản, thực hiện một số kỹ thuật xâm lấn, kết quả đáng ghi nhận là chạy thận trên BN Covid-19 chưa xảy ra ca tử vong nào. Đội ngũ CBYT tại Khu rất đoàn kết, ai cũng nhiệt huyết, tận tâm với nghề. Thành quả mà chúng tôi có được là thành tích chung, tâm huyết của cả tập thể cùng phấn đấu”.

Bác sĩ Nguyễn Minh Trí (thứ 2, từ trái qua) và các đồng nghiệp đã trải qua những ngày không thể quên trong “cuộc chiến” chống dịch, nỗ lực cứu sống bệnh nhân Covid-19 nặng

Tương tự, với BS trẻ Văn Minh Thịnh - công tác tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười, đợt dịch vừa qua cũng là một “bài học lớn” cho anh cùng các đồng nghiệp có cơ hội “thực chiến”. Anh cùng các đồng nghiệp đã tham gia chống dịch ngay từ những ngày đầu.

Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát nhưng bệnh viện vẫn duy trì khu điều trị Covid-19, anh vẫn vừa tham gia chống dịch, khi hết ca trực tại khu điều trị thì làm việc tại Khoa Nhi theo sự phân công. Từ nhỏ, Minh Thịnh đã ước mơ trở thành BS, niềm hạnh phúc của anh là được về công tác, chăm sóc BN trên chính quê hương mình. Thời điểm dịch bệnh, sức khỏe BN phải được ưu tiên hàng đầu, nhiều đêm vất vả thức trắng cùng các đồng nghiệp, nhiều ngày liền không thể về thăm nhà nhưng mỗi BN xuất viện là một động lực để bản thân anh cũng như tập thể cố gắng nhiều hơn nữa.

Theo anh, qua đợt dịch này, các BS được nâng cao tay nghề, có thêm bản lĩnh, kiến thức trong điều trị, với những ca nặng thì hội chẩn cùng các BS nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, những BS trẻ cũng được phân công làm trưởng ca, giúp phát huy kỹ năng quản lý lịch làm việc cũng như công tác phối hợp.

Đồng thời, gắn bó suốt thời gian dài nên anh em đồng nghiệp thêm hiểu nhau và đoàn kết, hợp tác tốt hơn, cùng chung sức vì sức khỏe BN. Bác sĩ Thịnh chia sẻ: “Mong ước lớn nhất của tôi chính là thấy BN hồi phục sức khỏe, sum họp gia đình, dịch bệnh được đẩy lùi. Là BS trẻ, tôi hy vọng tiếp tục được học sau đại học, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, trau dồi y đức để phục vụ tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe người dân”.

Hiện nay, dịch bệnh được kiểm soát nhưng Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười vẫn duy trì khu điều trị Covid-19, bác sĩ Thịnh vừa tham gia chống dịch, khi hết ca trực tại khu điều trị thì làm việc tại Khoa Nhi theo sự phân công

Phát huy vai trò của y tế cơ sở

Bên cạnh đội ngũ trực tiếp điều trị BN thì y tế cơ sở cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, y tế cơ sở cũng là cánh tay đắc lực cùng chung sức đẩy lùi dịch Covid-19 trong thời gian qua. Thời điểm TP.Tân An là một trong những “điểm nóng” của tỉnh, đội ngũ CBYT xã, phường có những ngày đêm không thể quên. Trong đó, Trưởng trạm Y tế phường 6 - BS Nguyễn Thị Ngọc Phiếm là một trong những tấm gương tiêu biểu trong công tác chống dịch Covid-19.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phiếm luôn tận tụy trong công việc, gương mẫu đi đầu, cùng đồng nghiệp nỗ lực bảo vệ sức khỏe người dân

Khi dịch bệnh bùng phát, phường 6 cũng là một trong những phường ghi nhận nhiều ca mắc trên địa bàn TP.Tân An do tập trung nhiều doanh nghiệp cũng như nhà trọ công nhân. Là lãnh đạo Trạm Y tế, BS Phiếm phải thực sự gương mẫu, động viên CBYT cùng nỗ lực, vượt qua khó khăn để chung sức với chính quyền địa phương đẩy lùi dịch bệnh.

Thời gian đầu, có những đêm đi điều tra, truy vết tận nửa đêm, công việc căng thẳng, nhiều cán bộ của trạm có con nhỏ nên BS Phiếm phải vừa làm, vừa động viên để tập thể cùng cố gắng. Rồi những lúc tập trung sàng lọc cộng đồng, tiêm vắc-xin theo tiến độ, lúc nào CBYT cũng trên tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Đến nay, khi dịch bệnh được kiểm soát, đội ngũ CBYT cơ sở vẫn không chủ quan, lơ là, triển khai thật tốt trạm y tế lưu động, phối hợp, tổ chức chặt chẽ Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, hỗ trợ ngay khi người dân cần giúp đỡ song song với các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Lành, công tác tại Trạm Y tế phường 6, cho biết: “Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, CBYT rất vất vả, nhất là nhân viên nữ, có con nhỏ, chúng tôi không chỉ áp lực trong công việc mà còn từ phía gia đình. Lúc này, chị Phiếm là người động viên, khuyến khích chúng tôi cùng nhau cố gắng. Chị luôn gương mẫu đi đầu, tạm gác việc nhà để cùng đồng nghiệp “chiến đấu” hết mình, bảo vệ sức khỏe người dân”.

Dù tuổi cao nhưng ông Huỳnh Văn On là một trong những cá nhân điển hình trong công tác chống dịch Covid-19 cũng như tham gia các hoạt động y tế tại địa bàn phụ trách

Cũng là tuyến cơ sở, nhưng sâu sát, gần gũi hơn nữa với cộng đồng dân cư là mạng lưới nhân viên sức khỏe cộng đồng. Ông Huỳnh Văn On (72 tuổi, nhân viên sức khỏe cộng đồng ấp Bà Phổ, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) là một trong những cá nhân điển hình trong công tác chống dịch cũng như tham gia các hoạt động y tế tại địa bàn phụ trách. Ông On tuổi đời đã cao nhưng rất nhiệt tình với các hoạt động xã hội, ông là thành viên Tổ Covid cộng đồng, sau này tiếp tục tham gia Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng.

Thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông không chỉ tham gia trực chốt phòng, chống dịch, hỗ trợ đội tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mà còn tích cực vận động quà cho người nghèo, mang nhu yếu phẩm, rau, củ đến tận nhà người dân.

Năm 2021, ông bị tai nạn, sức khỏe giảm sút đi nhiều, gia đình rất lo lắng nhưng ông thuyết phục các con an tâm để tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Ông chia sẻ: “Tôi vô cùng cảm động trước hình ảnh lực lượng tuyến đầu phải vất vả ngày đêm chống dịch. Do đó, dù tuổi cao nhưng cảm thấy mình còn khỏe, còn giúp được thì tôi sẽ cố gắng hết mình. Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát là thành tích chung của cả hệ thống chính trị và người dân, trong đó, tôi hạnh phúc vì bản thân mình cũng đóng góp một phần nhỏ vào những kết quả ấy”.

Dù hiện tại, Long An ở trạng thái “bình thường mới”, dịch bệnh được kiểm soát nhưng đội ngũ CBYT từ tỉnh đến cơ sở vẫn luôn cống hiến hết mình, lúc nào cũng trên tinh thần sẵn sàng khi được điều động, phân công. Sự nỗ lực vượt khó, quyết tâm cùng trách nhiệm của đội ngũ CBYT vì sức khỏe người dân thật đáng được trân trọng, tôn vinh./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết