Tiếng Việt | English

20/09/2022 - 12:50

Niềm vui đưa nước về đồng

Thủy lợi Phước Hòa được đánh giá là công trình hiệu quả, giúp nông dân chủ động nguồn nước tưới, duy trì sản xuất nông nghiệp, đa dạng cây trồng. Nguồn nước về mang theo cả niềm vui cho nông dân trong vùng.

"Tầm 3 tiếng là nước vào đầy ruộng"

Vừa nhanh tay khởi động hệ thống lấy nước từ kênh cấp 3 của hệ thống thủy lợi Phước Hòa, ông Trần Văn Thinh (ấp Nhơn Hòa 1, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) vừa vui vẻ nói: "Từ khi có hệ thống thủy lợi Phước Hòa, tôi chỉ cần làm hệ thống ống bọng là đưa nước về ruộng mà không tốn thêm bất cứ chi phí nào. Tầm 3 tiếng là nước đầy ruộng. Ruộng nhà tôi trồng được lúa, năng suất cũng cao hơn".

Ông Thinh kể, trước đây, vùng này khô nên người dân chủ yếu trồng đậu phộng, lúa chỉ trồng được 1 vụ/năm. Từ khi thủy lợi được thi công hoàn tất, nông dân có thể trồng lúa 3 vụ, năng suất cao, thu nhập tăng lên, đời sống người dân cũng được cải thiện hơn.

Gia đình ông Thinh có 6.000m2 đất nông nghiệp. Trước đây trồng đậu, ông thu lãi khoảng 15 triệu đồng/năm. Chuyển sang trồng lúa, lợi nhuận tăng gần gấp đôi. Theo ông Thinh, lợi nhuận tăng cao nhờ việc trồng lúa ít tốn nhân công hơn, chi phí đầu tư giảm do việc đưa nước vào đồng dễ dàng hơn và nguồn phù sa từ nguồn nước cũng giúp đồng ruộng màu mỡ hơn, năng suất lúa cao; đồng thời, mang theo đó là nguồn lợi thủy sản phong phú.

Ông Trần Văn Thinh giới thiệu hệ thống lấy nước từ kênh của hệ thống thủy lợi Phước Hòa vào ruộng

Đức Hòa vốn là một huyện vùng thượng của tỉnh, người dân chủ yếu sử dụng nước từ các giếng khoan, kể cả nước tưới cho nông nghiệp. Đức Hòa Thượng cũng không ngoại lệ. Nông dân trong xã chủ yếu trồng đậu phộng, một loại cây ưa khô hạn, cần ít nước tưới.

Thông tin từ UBND xã Đức Hòa Thượng, xã có hơn 1.700ha đất nông nghiệp. Trước đây, 70% nông dân trong xã trồng đậu phộng. Mạch nước ngầm tại xã cũng khá thấp, các giếng khoan cần đạt độ sâu 6-7m mới có thể chạm đến mạch nước ngầm. Từ khi hệ thống thủy lợi Phước Hòa đi vào hoạt động, người dân từng bước chuyển sang trồng lúa. Diện tích trồng đậu hiện chỉ còn 1%.

Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Thượng - Trần Quốc Thư cho biết: Đức Hòa Thượng là xã nhận được nhiều nguồn lợi nhất từ hệ thống thủy lợi Phước Hòa. Có 25/126 tuyến kênh của thủy lợi Phước Hòa đi qua địa bàn xã và đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân. Hiện tại, có 40% diện tích đất nông nghiệp của xã nhận được nước tưới từ thủy lợi Phước Hòa.

Ông Thư nói: "Thủy lợi Phước Hòa mang lại nhiều lợi ích cho người dân, góp phần vào việc nâng cao thu nhập, đời sống của người dân và giúp địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới. Người dân trong xã rất vui mừng vì điều đó. Hiện tại, chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân đóng góp làm hệ thống kênh nội đồng để đưa nước từ các kênh chính về ruộng. Dự kiến trong năm tới, thủy lợi Phước Hòa sẽ bảo đảm tưới, tiêu thêm 20% diện tích đất nông nghiệp nữa tại xã".

Một công trình hiệu quả

Thủy lợi Phước Hòa mang cả nguồn lợi thủy sản về cho nông dân

Thủy lợi Phước Hòa là công trình lớn của tỉnh, đem nước về cho huyện Đức Hòa. Hệ thống gồm 126 tuyến kênh cấp 1, cấp 2 và cấp 3 với tổng chiều dài 182,19km phục vụ tưới 10.181ha đất nông nghiệp cho 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù đã được đầu tư hoàn chỉnh, giao Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Long An quản lý nhưng để thủy lợi Phước Hòa phát huy hiệu quả cao nhất thì các xã, thị trấn và người dân cần phải đầu tư hệ thống kênh nội đồng để đưa nước về tới ruộng.

Hiện tại, Sở có những thiết kế chuẩn cho các loại kênh nội đồng chuẩn, tùy vào địa hình từng vùng và nhu cầu của người dân. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đỗ Hữu Phương cho biết: "Những lợi ích của thủy lợi Phước Hòa đã được người dân khẳng định. Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả của công trình thì cần tăng độ bao phủ. Các xã, thị trấn cần tăng cường vận động người dân hiến đất, đóng góp để làm các kênh nội đồng theo thiết kế, tránh tình trạng người dân tự phát đục khoét lòng kênh để lấy nước làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình".

Thủy lợi Phước Hòa về mang theo những cánh đồng xanh mát cho huyện Đức Hòa, kèm theo đó là những nguồn lợi khác. Tuy nhiên, để công trình phát huy hiệu quả, người dân cần chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng hệ thống kênh nội đồng, giữ gìn vệ sinh lòng kênh, không vứt rác bừa bãi xuống kênh, không tự ý đục khoét lòng kênh,... nhằm bảo vệ công trình quan trọng và hiệu quả của địa phương./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết