Tiếng Việt | English

26/10/2023 - 09:23

Nỗ lực hoàn thành công tác dân số

9 tháng năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số (DS) từ tỉnh đến cơ sở triển khai, thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, hoạt động thiết thực. Nhờ đó, công tác DS trên địa bàn tỉnh Long An hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác DS, ngay từ đầu năm 2023, Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Một trong những nhiệm vụ được chú trọng hàng đầu là đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh - Đoàn Văn Ngà cho biết: “Đến cuối tháng 9/2023, tổng số trẻ sinh là 13.496, tăng 3.378 trẻ so cùng kỳ năm 2022, ước đạt chỉ tiêu tăng sinh vào cuối năm. Trẻ sinh là con thứ 3 trở lên là 144 trẻ, giảm 20 trẻ sinh là con thứ 3 trở lên so cùng kỳ năm trước.

Tỷ số giới tính trẻ sinh là 6.793 trẻ sinh nam/6.703 trẻ sinh nữ (101,34 nam/100 nữ), ước đạt chỉ tiêu vào cuối năm. Biện pháp tránh thai: Dụng cụ tử cung đạt 108,98%, thuốc cấy đạt 134,50%, thuốc tiêm đạt 100,44%, thuốc viên đạt 93,23% và bao cao su đạt 91,64%.

Đến cuối tháng 9/2023, tổng số trẻ sinh là 13.496, tăng 3.378 trẻ so cùng kỳ năm 2022, ước đạt chỉ tiêu tăng sinh vào cuối năm

Theo dân số mục tiêu: Có 12.462 trẻ sinh ra được tầm soát sơ sinh 5 bệnh, đạt 92,33% so với số trẻ sinh và 13.357 trẻ sinh ra được tầm soát sơ sinh 3 bệnh, đạt 98,97% so với số trẻ sinh; 12.718 lượt thai phụ được tầm soát trước sinh 4 bệnh, đạt 94,23% trên tổng số trẻ sinh; 13.357 lượt thai phụ được tầm soát trước sinh 3 bệnh, đạt 98,97% trên tổng số trẻ sinh. Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân cho 3.450 cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn, đạt 99,31% trên tổng số cặp kết hôn đúng hạn.

Bên cạnh đó, mô hình xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố đạt 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con được duy trì thực hiện hiệu quả. Trung tâm Y tế cấp huyện tham mưu huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo tập trung xây dựng mô hình xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố đạt 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con năm 2023.

Ban Chỉ đạo công tác DS - Phát triển cấp xã tùy theo tình hình từng địa phương có các giải pháp cụ thể, phù hợp trong tuyên truyền, vận động, quản lý đối tượng nhằm duy trì và xây dựng mô hình 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con. Đến thời điểm ngày 31/8/2023, toàn tỉnh có 94 xã, phường, thị trấn và 531 ấp, khu phố đạt mô hình 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con.

Theo thống kê, 9 tháng năm 2023, có 15/15 đơn vị huyện, thị xã, thành phố tổ chức đăng ký thực hiện KHHGĐ cho cán bộ, công chức, viên chức xã, thị trấn và người dân; cấp giấy thôi đẻ hẳn từ ngày 01-01 đến hết tháng 9/2023 là 11.536 phiếu.

Chú trọng chăm sóc sức khỏe sinh sản

Bên cạnh thực hiện các giải pháp chăm sóc sức khỏe, Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS)/KHHGÐ cũng được triển khai sâu, rộng tại các địa phương. Qua đó, giúp phụ nữ (PN) tiếp cận gần với các dịch vụ y tế cũng như có điều kiện CSSKSS ngày càng tốt hơn.

Khi tham gia chiến dịch, phụ nữ được khám phụ khoa, siêu âm, soi tươi và test VIA tầm soát ung thư cổ tử cung, phát thuốc,… miễn phí

Năm 2023, chiến dịch được triển khai, thực hiện tại 94 xã, phường, thị trấn/15 huyện, thị xã, thành phố từ nguồn kinh phí tỉnh phân bổ (theo Kế hoạch số 993/KH-BCĐ, ngày 07/3/2023 của Ban Chỉ đạo công tác DS - Phát triển tỉnh). Ngoài ra, có 6 huyện đầu tư thêm kinh phí địa phương để triển khai mở rộng cho các xã còn lại, gồm 41 xã (cụ thể: Huyện Bến Lức 7 xã, Tân Trụ 5 xã, Cần Giuộc 7 xã, Thủ Thừa 6 xã, TP.Tân An 7 phường và huyện Cần Đước 9 xã).

Để chiến dịch được triển khai hiệu quả, công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức như vãng gia, lồng ghép trong các cuộc họp, qua hệ thống loa, đài,... Phó Trưởng phòng DS và Truyền thông giáo dục sức khỏe huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Anh Dung cho biết: “Trước khi diễn ra chiến dịch, lực lượng cộng tác viên DS, Gia đình và Trẻ em đến từng nhà phát thư mời, vận động PN đến địa điểm diễn ra chiến dịch; đồng thời, tư vấn về lợi ích khi tham gia chiến dịch như được khám phụ khoa, siêu âm, soi tươi và test VIA tầm soát ung thư cổ tử cung, phát thuốc,... miễn phí. Từ đó, PN từng bước nâng cao nhận thức trong việc CSSKSS định kỳ và tham gia chiến dịch”.

Công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản được chú trọng

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác DS - Phát triển tỉnh, kết quả thực hiện chiến dịch từ ngày 15/3 đến 30/9/2023, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. 15/15 đơn vị huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện cung cấp dịch vụ KHHGĐ đạt 91,96% kế hoạch; gói phòng, chống viêm nhiễm đường sinh dục đạt 115,07% kế hoạch. Về gói dịch vụ nâng cao chất lượng DS: Sàng lọc trước sinh 1.673 ca, sàng lọc sơ sinh 1.107 ca, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân 1.020 cặp nam nữ thanh niên.

Có thể thấy, hoạt động CSSKSS/KHHGĐ của tỉnh trong 9 tháng qua đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức và chất lượng cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, việc triển khai, thực hiện hiệu quả Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGÐ không chỉ giúp PN được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc thiết yếu mà còn góp phần nâng cao chất lượng DS, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH địa phương./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết