Tiếng Việt | English

27/12/2022 - 20:00

Hết lòng vì công tác dân số

Thường xuyên bám địa bàn phụ trách, tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình nắm và hiểu rõ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là công việc thường xuyên của ông Trần Văn Hiện (SN 1964, ngụ ấp Mây Rắc, xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An). Làm cộng tác viên (CTV) DS, thời gian qua, ông góp phần cùng địa phương giảm sức ép về gia tăng DS, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Ông Trần Văn Hiện có 15 năm làm cộng tác viên dân số, với ông mỗi bằng khen, giấy khen là món quà tinh thần vô giá

Từng có 16 năm (từ năm 2005-2021) đảm nhận nhiệm vụ Trưởng ấp Mây Rắc nên hơn ai hết, ông Hiện rất am hiểu địa bàn ấp. Năm 2007, khi được địa phương vận động tham gia CTV DS, ông Hiện vui vẻ nhận lời. “Ngày nay, được sống trong nền độc lập, tự do, hạnh phúc, tôi thấy mình rất may mắn. Vì vậy, cống hiến được gì cho xã hội là tôi sẵn sàng” - ông Hiện tâm sự.

Nhấp ngụm trà, ông Hiện từ từ kể về các nhiệm vụ của một CTV DS. Ông phụ trách 46 hộ với 239 nhân khẩu. CTV DS phải thường xuyên bám sát địa bàn phụ trách, nắm rõ từng hộ gia đình, nhất là các gia đình có ý định sinh con thứ 3 trở lên hoặc lựa chọn giới tính thai nhi. Sau khi nắm thông tin, CTV DS đến tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ.

Không ngại địa điểm, thời gian, mỗi khi có cơ hội là ông Hiện lại tranh thủ tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ. Bên cạnh tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình, ông thường xuyên lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp. Đối với những trường hợp đi làm ban ngày, ông đến tuyên truyền, vận động vào buổi tối. Vận động, hướng dẫn các cặp vợ chồng sắp cưới khám sức khỏe tiền hôn nhân; tuyên truyền mọi người không chọn lựa giới tính khi sinh; tuyên truyền sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả; thực hiện KHHGĐ; tuyên truyền, vận động phụ nữ khám phụ khoa định kỳ;... là các công việc thường xuyên của ông Hiện. Với ông, đã nhận công việc thì không được ngại ngùng.

Nhắc đến những khó khăn trong quá trình công tác, ông Hiện cho biết: “Khó khăn lớn nhất là việc đi lại. Ngày trước, đường sá chưa được đầu tư, nhiều nơi xe không thể chạy đến được nên tôi phải mượn xuồng của người dân để đi. Sau khi di chuyển bằng đường thủy, tôi tiếp tục đi bộ để đến nhà người dân. Tuy nhiên, hiện tại khó khăn này không còn, nhiều tuyến đường giao thông được đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Việc đến nhà dân để tuyên truyền, vận động cũng dễ dàng hơn”.

Theo ông Hiện, trước đây, đa phần nhận thức của người dân khu vực biên giới về công tác DS-KHHGĐ còn nhiều hạn chế nhưng từ khi được tuyên truyền, vận động, nhận thức của mọi người đã thay đổi. Người dân dần hiểu những lợi ích của việc thực hiện KHHGĐ là dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt hơn. Song song đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ, ông Hiện thường tham gia các buổi tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Địa bàn ông phụ trách nhiều năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên.

Bằng nhiều cách làm hiệu quả, ông Hiện từng bước đưa các chính sách DS-KHHGĐ đi vào cuộc sống, góp phần làm nên những thành quả của công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã. Với những nỗ lực đó, ông Hiện được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp DS và nhiều bằng khen, giấy khen từ tỉnh đến địa phương vì có thành tích tốt trong công tác DS-KHHGĐ./.

Hoài An

Chia sẻ bài viết