Tiếng Việt | English

27/06/2024 - 15:18

Noi gương Bác, sản xuất giỏi

Là nông dân thời đại mới, không chỉ siêng năng, cần cù mà còn phải có tinh thần học hỏi, nắm bắt xu hướng hiện đại, thay đổi tư duy làm nông nghiệp để cuộc sống gia đình ngày càng khá hơn. Đó là chia sẻ của anh Lê Thanh Nhàn - chủ Cơ sở Nấm Thanh Nhàn (ấp Cây Sao, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) khi nói về học tập và làm theo gương Bác.

Anh Lê Thanh Nhàn (đứng giữa) nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01 của Huyện ủy Tân Thạnh

1. Nằm cặp bên dòng kênh Dương Văn Dương, ít ai nghĩ ở tận Đồng Tháp Mười lại có cơ sở trồng nấm với quy mô lớn như thế này.

Hành trình khởi nghiệp cũng lắm gian nan nhưng anh Nhàn cho rằng, nếu có niềm đam mê và đủ duyên thì mình sẽ trụ được với nghề. Gia đình anh Nhàn vốn xuất thân là nông dân. Hồi ấy, cuộc sống gia đình anh cũng như bao người ở vùng đất này chỉ trông chờ vào cây lúa nhưng năng suất bấp bênh. Với suy nghĩ vượt khó vươn lên, làm giàu trên chính quê hương mình, anh Nhàn bắt đầu tìm hiểu và trồng thử nghiệm nấm bào ngư tươi vào năm 2015. Tuy nhiên, nấm trồng ra chất lượng không đạt. Không nản lòng, anh mạnh dạn đăng ký khóa học ngắn hạn về trồng nấm ăn và nấm dược liệu tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. Vừa học, anh vừa mua nguyên, vật liệu về thử nghiệm tạo phôi và trồng nấm. Gần 2 năm, anh mới đúc kết được bí quyết của nghề này. Năm 2017, anh Nhàn bắt đầu sản xuất phôi giống đại trà bán cho khách hàng ở các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp,...

Anh Nhàn hồi tưởng: “Hồi xưa, để làm được cơ sở này, khó khăn dữ lắm! Vùng này trũng thấp nên tôi nâng nền, lấp đất. Chưa nói đến thiếu thốn về vốn, hạ tầng giao thông khi ấy cũng là cả vấn đề khi việc vận chuyển hàng hóa, đi lại gặp khó. Nhân công cũng rất khó thuê vì nhiều người cho rằng, làm phôi giống chủ yếu sử dụng thuốc hóa học nên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau một thời gian, họ thấy trại nấm của tôi làm chủ yếu bằng hữu cơ nên xin vào làm công nhân. Hiện nay, trại nấm giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương”.

Anh Lê Thanh Nhàn kể lại quá trình thành lập Cơ sở Nấm Thanh Nhàn

Theo anh Nhàn, trồng nấm bào ngư không tốn nhiều diện tích. Tuy nhiên, người trồng phải tuân thủ đúng kỹ thuật từ khâu xây dựng trại, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp. Muốn nấm phát triển tốt, mọc dày, đạt chất lượng, trong quá trình chăm sóc, người trồng phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ, nhất là khâu tưới nước. Phôi nấm từ khi cấy giống cho đến thu hoạch khoảng 60 ngày. Một bịch phôi nấm thu hoạch 300g nấm và thu hoạch trong 5 tháng.

Để có cơ sở như ngày nay, anh Nhàn bỏ nhiều công sức, đầu tư cuốn chiếu theo từng năm. Anh vẫn làm ruộng và dành một phần kinh phí để mua thêm các trang thiết bị. Phải mất khoảng 2 năm, cơ sở mới đi vào hoạt động ổn định.

Anh Nhàn cho rằng, trồng nấm theo hướng hữu cơ có nghĩa là phải bảo đảm an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc hóa học, sử dụng nguyên liệu tạo phôi giống từ cám gạo, cám bắp; đồng thời, diệt các loại côn trùng, sâu bọ chủ yếu bằng các loại tinh dầu.

2. Trang trại nấm Thanh Nhàn diện tích khoảng 5.000m2, toàn bộ quy trình đều sản xuất theo hướng hữu cơ. Từ thành công với nấm bào ngư, anh Nhàn lại mày mò và tiếp tục thành công với nấm linh chi, mộc nhĩ (nấm mèo) và đông trùng hạ thảo. Đặc biệt, nấm đông trùng hạ thảo được anh bỏ ra nhiều tâm huyết và có hiệu quả trong thời gian gần đây. Loại nấm này được bán giá bình dân hơn nhiều cơ sở khác, khoảng 20 triệu đồng/kg. Ngoài ra, mộc nhĩ sấy khô có giá bán 200.000 đồng/kg, nấm linh chi sấy khô có giá 900.000 đồng/kg; trong khi đó, nấm bào ngư tươi chỉ vài chục ngàn đồng/kg.

Cơ sở nấm Thanh Nhàn giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương

Trong quá trình sản xuất, yếu tố tiên quyết được anh đặt lên hàng đầu là hướng đến các sản phẩm sạch để khách hàng tin dùng. Vì đây là các mặt hàng liên quan đến sức khỏe nên đòi hỏi quy trình sản xuất khép kín, theo chuẩn quy định và không thuốc hóa học, không nhiễm khuẩn, sạch từ khâu trồng đến sơ chế, thu hoạch; đồng thời, có sự cách ly khu sản xuất giống với khu trồng, sơ chế. Nhờ chú trọng đến chất lượng sản phẩm nên khi chúng tôi đến, anh phấn khởi cho hay cơ sở vừa ký được hợp đồng với một đơn vị để xuất khẩu mộc nhĩ sang châu Âu. “Tôi dự định sẽ gửi thêm một số mặt hàng nấm khác tại cơ sở để có thể quảng bá, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ ở những thị trường khó tính. Bên cạnh đó, tôi đang thử nghiệm mặt hàng bột nấm bào ngư khô dùng để nấu cháo dinh dưỡng cho người già, trẻ em” - anh Nhàn nói.

Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương, Cơ sở Nấm Thanh Nhàn có 4 sản phẩm gồm nấm bào ngư, linh chi, mộc nhĩ và đông trùng hạ thảo được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh trong năm 2023. Hiện nay, nguồn tiêu thụ các mặt hàng này chủ yếu bán qua các trang mạng xã hội và trên trang thương mại điện tử. Ngoài ra, anh còn bán cho các khách hàng thân quen và khu vực lân cận, trong đó mặt hàng mộc nhĩ hiện được khách hàng đặt mua nhiều nhất tại cơ sở.

Cơ sở nấm của anh Lê Thanh Nhàn hiện có 4 sản phẩm OCOP 3 sao

Nhờ công việc kinh doanh thuận lợi, mỗi năm, gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài cung cấp nấm ăn, nấm dược liệu và phôi giống, Cơ sở Nấm Thanh Nhàn còn hỗ trợ, hướng dẫn, chia sẻ kỹ thuật cho nông dân để cùng nhau liên kết phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ sản xuất, kinh doanh, chăm lo cuộc sống gia đình, hàng năm, anh còn tặng quà cho các gia đình gặp khó khăn, ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân xã và các nguồn khác. Không những vậy, bản thân anh cũng có nhiều việc làm góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Để có thể phát huy hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cách đây khoảng 1 tháng, Hợp tác xã mang tên Nấm Tân Lập Tiến do anh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc cũng chính thức đi vào hoạt động. Hợp tác xã này chuyên cung cấp các loại nấm và gạo hữu cơ, hứa hẹn mang đến sự khởi sắc và là “chỗ dựa” cho nhiều hộ nông dân.

Với những thành tích đã đạt, nhiều năm liền, anh Nhàn được công nhận Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, nhận được nhiều giấy khen, bằng khen trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt, anh là người duy nhất trong tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào tháng 3/2024./. 

Gặp gỡ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

 

Gặp gỡ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 

Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đã khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo của nông dân trong lao động, sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết