Tiếng Việt | English

10/06/2016 - 23:35

Nước Pháp căng thẳng trước khai mạc Euro 2016

Chính quyền Pháp tuyên bố làm hết sức để đảm bảo an ninh cho Euro, dù thừa nhận đây là đích ngắm số 1 của khủng bố vào thời điểm này.

Chỉ ít giờ nữa trái bóng Euro 2016 sẽ chính thức lăn trên các sân cỏ nước Pháp, bắt đầu cho 1 tháng sôi động cùng bóng đá. Hiện tại thì chắc hẳn nước Pháp đã hoàn thành những công việc chuẩn bị để đón chào cổ động viên từ khắp châu Âu đang đổ về các thành phố của nước Pháp để cổ vũ cho các đội bóng của mình.

Hơn 80.000 nhân viên an ninh được chính phủ Pháp triển khai để đảm bảo an toàn cho EURO 2016. (Ảnh: Ngọc Duy)

Bầu không khí – Không hoạt náo như mong đợi

Chào đón một ngày hội thể thao lớn như Eurocup, Paris rất tưng bừng. Có thể bắt gặp hình ảnh của cúp bóng đá ở khắp nơi, từ các biểu ngữ, cờ treo trên các đại lộ, tuyến phố lớn nhỏ, cho tới các biển quảng cáo trên đường, các biển chỉ dẫn ở tàu điện ngầm, hay trên những cầu vượt bắc qua đường vành đai Paris.

Đêm 9/11, cổ động viên trên khắp thế giới đã đổ về tham dự buổi hòa nhạc của ca sỹ David Guetta tại khu dành cho cổ động viên Fanzone ở chân tháp Eiffel Champs de Mars. Màn hình lớn tới 420m2 đặt dưới chân tháp Eiffel cùng ánh sáng chiếu rọi từ ngọn tháp biểu tượng của Paris đã tạo một bầu không khí tưng bừng, chào đón ngày hội thể thao của châu Âu.

Dù vậy, quan sát các hoạt động thường ngày thì tại Paris không có những đám cổ đông viên đông đảo hò reo hay làm hoạt náo đường phố, mọi việc dường như vẫn diễn ra như không có Eurocup vậy, chỉ khác là cảnh sát đi tuần tiễu dày đặc hơn và các tuyến phố bị cấm xe nhiều hơn.

Vành đai an ninh nghiêm ngặt

Chính quyền Pháp nói chung và lãnh đạo các thành phố chủ chốt có diễn ra các trận đấu trên toàn nước Pháp đều tuyên bố làm hết sức để đảm bảo an ninh cho giải bóng đá lớn nhất châu lục, dù thừa nhận đây là đích ngắm số 1 của bọn khủng bố vào thời điểm này.

Cũng chính lo lắng về an ninh mà nổ ra tranh cãi gay gắt về việc có hay không mở các khu vực dành cho các cổ động viên Fanzone. Thậm chí cảnh sát trưởng Paris trước đó có đề xuất không mở với lý do cảnh sát đã bị “quá tải”. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được Bộ trưởng nội vụ Pháp chấp nhận.

Để đối phó với khủng bố, nước Pháp có thể nói huy động tổng lực các lực lượng an ninh. Riêng khu vực Paris và xung quanh, tăng thêm 3000 nhân viên bổ sung vào tổng số 10.000 có sẵn và trên toàn nước Pháp, số nhân viên an ninh là 90.000 để đảm bảo an toàn cho eurocup. Và Bộ nội vụ Pháp đã cho thiết lập một ứng dụng trên điện thoại để phát cảnh báo đến người dân khi xảy ra sự cố.

Cảnh sát Pháp thiết lập 3 vành đai kiểm soát an ninh xung quanh các sân vận động. Và theo quan sát thì việc kiểm tra an ninh, rà soát túi xách của từng cổ động viên được kiểm tra từ vòng ngoài trước khi tiếp cận cửa vào của khu vực Fanzone. Các tuyến phố xung quanh đều có cảnh sát túc trực 24/24 và cấm xe qua lại. Riêng khu Fanzone lớn nhất dưới chân tháp Eiffel có tới 1000 cảnh sát và 46 camera theo dõi an ninh ở khắp nơi.

Hình ảnh Paris đầy rác. Ảnh: AFP

Đình công và biểu tình – Người Pháp tự làm xấu hình ảnh

Đình công và biểu tình tiếp diễn tạo ra nỗi lo không hề nhỏ cho ban tổ chức Euro 2016. Ngay trước giờ khai mạc Euro, hình ảnh Paris đầy rác được phát đi trên các phương tiện truyền thông. Các nhân viên đổ rác đình công ngay trước khai mạc Eurocup rõ ràng với mục tiêu làm xấu đi hình ảnh của Paris trong mắt các du khách, cổ động viên nước ngoài. Đoàn biểu tình còn gây cản trở trước chợ đầu mối lớn nhất Paris Rungis ở phía Nam, khiến người ta lo ngại có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà hàng, khách sạn trong dịp này.

Việc các nhân viên ngành đường sắt đình công làm cho việc đi lại bằng phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, tàu liên tỉnh – những phương tiện mà người hâm mộ, đặc biệt các cổ động viên nước ngoài- sử dụng nhiều nhất để đi tới các sân vận động. Thêm vào đó, ngày mai 11/6, các phi công hãng hàng không Airfrance tuyên bố đình công, đe dọa nhiều chuyến bay có thể bị hủy./.

Thùy Vân/VOV-Paris

Chia sẻ bài viết