Tiếng Việt | English

03/11/2022 - 10:24

OCOP - Hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại (Bài cuối)

Sau thời gian triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Long An đạt những kết quả tích cực. Nhiều sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ phát triển mạnh, khẳng định được thương hiệu, uy tín và tiêu thụ tốt trên thị trường. Tuy nhiên, Chương trình OCOP vẫn còn khó khăn, vướng mắc, rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành nhằm đưa ra các giải pháp căn cơ, hiệu quả.

Bài cuối: Cần có thêm những giải pháp và chính sách hỗ trợ 

Sau gần 4 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, tỉnh Long An đánh giá, phân hạng được 43 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó, có 26 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 17 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Bên cạnh những địa phương đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP, nhiều nơi vẫn đang loay hoay tìm và xây dựng sản phẩm riêng.

Người dân ngày càng tin dùng các sản phẩm OCOP

Còn nhiều khó khăn

Là huyện thuần nông, Vĩnh Hưng có nhiều tiềm năng, lợi thế để tham gia Chương trình OCOP. Thế nhưng, qua gần 4 năm triển khai, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, các sản phẩm được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP vẫn chưa được công nhận đạt chuẩn. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn, những năm qua, huyện quy hoạch và từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, an toàn; khuyến khích phát triển vườn cây ăn trái, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày;... Thấy được lợi ích từ Chương trình OCOP mang lại, nhiều tổ chức, cá nhân chủ động xây dựng thương hiệu, đăng ký sản phẩm tham gia. Tuy nhiên, qua gần 4 năm triển khai, thực hiện, huyện chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, phổ biến, lựa chọn sản phẩm đặc trưng đăng ký tham gia chương trình.

“Quá trình triển khai Chương trình OCOP của huyện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là các chủ thể chưa hiểu hết ý nghĩa và lợi ích chương trình mang lại; các cơ sở sản xuất đa phần nhỏ, lẻ, quy mô hộ gia đình nên chưa quan tâm đến việc đăng ký về chất lượng, thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm hàng hóa,... Mặt khác, 2 năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản của người dân” - ông Lê Quốc Bổn thông tin.

Anh Nguyễn Hữu Lợi (ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) là một trong những hộ đăng ký tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm trái xoài keo. Anh Hữu Lợi chia sẻ: “Vườn xoài 2ha của tôi đã hơn 6 năm tuổi và thu hoạch được 2 đợt, mỗi đợt gần 20 tấn xoài. Được cán bộ nông nghiệp huyện vận động tham gia Chương trình OCOP, tôi cũng đăng ký tham gia, tuy nhiên, 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc thực hiện hồ sơ, thủ tục gặp nhiều khó khăn và chưa thể hoàn thành”.

Ông Lê Quốc Bổn thông tin thêm: “Để xây dựng thành công các sản phẩm OCOP, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sẵn có, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, đưa các chính sách ưu đãi đến gần hơn với nông dân, huyện Vĩnh Hưng tiếp tục khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm,... Ðồng thời, vận dụng linh hoạt, lồng ghép các chính sách, nguồn vốn để tập trung phát triển cho từng chủ thể, sản phẩm cụ thể. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, nâng chất nhóm tiêu chí về kinh tế trong xây dựng huyện nông thôn mới”.

Đến nay, huyện Thạnh Hóa tuy đã có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao nhưng số lượng này quá ít so với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa, nhằm giúp các cơ sở phát triển sản phẩm đặc trưng gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, ngành Nông nghiệp huyện triển khai nhiều giải pháp như tổ chức tập huấn cho các chủ thể OCOP về xây dựng phương án kinh doanh và phát triển sản phẩm; hỗ trợ xây dựng, thiết kế tem, nhãn, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quảng bá tại những hội chợ xúc tiến thương mại của tỉnh.

Hiện nay, quy mô, năng lực quản trị của các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Sự hiểu biết của các chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung phụ thuộc vào tư vấn. Một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn trong công nghệ chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị, kéo dài thời gian tiêu thụ,... Bên cạnh đó, các chủ thể tham gia chương trình phần lớn đều là nông dân nên việc tiếp cận công nghệ và cải tiến, áp dụng công nghệ còn yếu; việc phát triển với số lượng lớn và đưa sản phẩm ra thị trường còn hạn chế.

Trách nhiệm không của riêng ai

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Thời gian tới, huyện chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tất cả chủ thể kinh tế và người dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP; tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, chủ thể thực hiện chương trình; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng sản phẩm;...”.

Hội nghị xúc tiến thương mại góp phần quảng bá sản phẩm OCOP

Để có thêm nhiều sản phẩm OCOP chất lượng, các đơn vị, địa phương liên quan phải chủ động khảo sát, từ đó xác định rõ sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế của địa phương để tư vấn giúp các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chí của Chương trình OCOP. Riêng đối với các sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP, chủ thể cần tiếp tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng để nâng hạng sao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: “Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp các địa phương tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể khai thác, nâng cấp sản phẩm; đồng thời, xây dựng phương án hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất khi sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng. Bên cạnh đó, các chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm”./.

Xem thêm>>OCOP - Hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại (Bài 1)

Xem thêm>>OCOP - Hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại (Bài 2)

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết