Tiếng Việt | English

02/11/2022 - 10:03

OCOP - Hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại (Bài 2)

Sau thời gian triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Long An đạt những kết quả tích cực. Nhiều sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ phát triển mạnh, khẳng định được thương hiệu, uy tín và tiêu thụ tốt trên thị trường. Tuy nhiên, Chương trình OCOP vẫn còn khó khăn, vướng mắc, rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành nhằm đưa ra các giải pháp căn cơ, hiệu quả.

Bài 2: Chương trình OCOP - cơ hội ‘vàng’ cho sản phẩm phát triển

Các chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP được ưu tiên, hỗ trợ nhiều chính sách, chương trình ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Đây được xem là cơ hội “vàng” cho sản phẩm OCOP phát triển.

Nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ

Để tăng tính cạnh tranh và quảng bá thương hiệu cho 43 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm này. Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ hơn 330.000 triệu tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP. Theo đó, chỉ vài thao tác đơn giản trên chiếc điện thoại thông minh như quét mã QR trên sản phẩm, khách hàng có thể an tâm, tin tưởng và lựa chọn những sản phẩm OCOP của tỉnh, bởi nguồn gốc, xuất xứ,... được thể hiện trên điện thoại của khách hàng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa (bìa trái) tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan cho biết: “Đa số sản phẩm OCOP của tỉnh đều được Sở hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc. Việc làm này góp phần giúp người dân an tâm về sản phẩm OCOP vì thể hiện được nhà sản xuất cũng như những chứng nhận mà cơ quan có thẩm quyền cấp; ngày sản xuất, hạn sử dụng cũng có đầy đủ trên tem truy xuất nguồn gốc”.

Ngoài hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP còn được hỗ trợ máy móc, trang thiết bị,... nhằm phát triển sản phẩm theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Anh Phạm Ngọc Anh Tuấn (Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Một thành viên Vườn Nhà Mình, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) thông tin: “Thời gian qua, Cty được Sở Công Thương hỗ trợ cối nghiền bột với chi phí 150 triệu đồng. Cối nghiền bột giúp tạo ra sản phẩm bột mịn, ít tốn công lao động. Hơn hết, sử dụng máy nghiền bảo đảm sản phẩm chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm”.

“Chắp cánh” cho sản phẩm vươn xa

Một trong những yếu tố để sản phẩm OCOP phát triển, vươn xa và khẳng định thương hiệu chính là quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), tạo điều kiện cho các sản phẩm tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Xác định rõ các yếu tố này, thời gian qua, Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT; đồng thời, hỗ trợ chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định. Nhờ đó, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được vào hệ thống Co.opmart, Bách Hóa Xanh, cửa hàng San Hà, siêu thị Tứ Sơn,..., nhất là xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức Lễ hội Ẩm thực đường phố - Nghề truyền thống gắn với Hội chợ Triển lãm OCOP tỉnh Long An năm 2022, quy tụ gần 200 gian hàng trưng bày, chế biến ẩm thực và 43 sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh, thu hút hơn 50.000 lượt khách tham quan. Lễ hội này góp phần thúc đẩy sự hợp tác và liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu long; làm cơ sở để đẩy mạnh và phát huy tiềm năng về sản phẩm OCOP của tỉnh. Qua đây, các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, giao thương, liên kết, hợp tác, kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Chị Trần Thị Ngọc Lan (chủ Cơ sơ chế biến thực phẩm Ngọc Lan, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Tham gia Hội chợ Triển lãm OCOP tỉnh Long An năm 2022, tôi bán được nhiều sản phẩm, nhận được nhiều lời khen của khách hàng. Ngoài ra, tôi còn được giao lưu, học hỏi về mẫu mã của các sản phẩm đạt chuẩn OCOP khác trong và ngoài tỉnh. Mỗi lần tham gia như thế, tôi lại học hỏi được nhiều điều hay để làm cơ sở nâng cấp các sản phẩm OCOP lên 5 sao”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan (bìa phải) cho biết: “Đa số các sản phẩm OCOP của tỉnh đều được Sở hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc"

Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh thông tin: “Hàng năm, Sở Công Thương đều có chương trình để quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ đối với các sản phẩm OCOP. Đến nay, Sở xây dựng video, clip về một số sản phẩm đặc trưng, sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhằm giới thiệu tại các hội nghị của ngành hoặc tiếp các đoàn doanh nghiệp, các đoàn kết nối tiêu thụ hàng hóa đến làm việc trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở còn liên hệ với các đơn vị liên quan tổ chức những khu trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh tại các điểm dừng chân, các siêu thị. Xác định TMĐT là xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đến nay, Sở triển khai hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản, OCOP chủ lực của tỉnh lên sàn TMĐT của tỉnh với 181 gian hàng đăng ký, gần 500 sản phẩm tham gia trưng bày và giới thiệu. Bên cạnh đó, Sở triển khai chương trình hỗ trợ 20 doanh nghiệp có các sản phẩm đưa lên 6 sàn TMĐT lớn của Việt Nam và đưa 6 doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu lên sàn TMĐT Alibaba”.

Mỗi sản phẩm OCOP của tỉnh như một “đại sứ” của từng địa phương, gắn liền với nét văn hóa đặc trưng vùng, miền. Việc tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP vươn xa cũng đồng nghĩa thúc đẩy KT-XH địa phương ngày càng phát triển./.

(còn tiếp)

Bài 3: Cần có thêm những giải pháp và chính sách hỗ trợ

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Xem thêm>> OCOP - Hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại - Bài 1: Hiệu quả từ Chương trình OCOP

Chia sẻ bài viết