Tiếng Việt | English

01/05/2016 - 08:15

Phải gắn trách nhiệm để xóa sổ thực phẩm bẩn

Sở dĩ tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan là do không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật.

“Không thể một vấn đề lớn trong xã hội như vậy, ảnh trực tiếp đến nhân dân như vậy mà không ai chịu trách nhiệm. Ở xã chịu trách nhiệm ở xã, huyện chịu trách nhiệm của huyện, tỉnh và Trung ương cũng vậy ”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Sở dĩ tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan là do không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật… Nhận định này được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về An toàn thực phẩm do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 27/4.

Chất cấm trong chăn nuôi đã giảm nhưng chưa thể lạc quan

Chưa thể lạc quan…

Sau khi dư luận lên án, cơ quan chức năng vào cuộc đã phanh phui hàng trăm vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Mới đây, lần đầu tiên tại Tiền Giang đã tiến hành tiêu hủy những con heo được “vỗ” bằng chất cấm. Theo Bộ NN&PTNT, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi về cơ bản đã được khống chế.

Các công ty dược nhập khẩu và kinh doanh chất Salbutamol đã được Bộ Y tế quản lý chặt chẽ hơn, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã không còn sử dụng chất cấm. Đến thời điểm hiện tại, số vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với các trang trại đã giảm đáng kể (tháng 1/2016 là 9,8%; tháng 2/2016 là 1,46%; tháng 3/2016 là 0,66%).

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho hay: “Trên thị trường hiện tại không còn hiện tượng bày bán công khai các sản phẩm có chứa Salbutamol. Các chủ hộ chăn nuôi, các trang trại và gia trại đều được tuyên truyền về tác hại của chất cấm nên cũng có động thái bài trừ các chất này.

Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý rất chặt nguồn nhập khẩu và cung cấp Salbutamol nên việc đưa sang chăn nuôi sử dụng sai mục đích đã bị triệt tiêu”. Từ những dẫn chứng như thế, ông Việt lạc quan khi cho rằng, hầu hết các nhà máy sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi không còn sử dụng chất cấm trộn vào thức ăn chăn nuôi.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đánh giá, việc triển khai các đợt cao điểm về kiểm soát chất cấm đã có tác dụng rất tích cực, góp phần giảm thiểu rõ rệt tỷ lệ các mẫu dương tính với chất cấm trong chăn nuôi.

Dù các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc nhưng mới đây phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về An toàn thực phẩm (ATTP), Bí thư Thành ủy TP.HCM, Đinh La Thăng cho rằng, tình hình ATTP hiện nay là đáng báo động, tràn lan, phức tạp, nguy hiểm. Nguyên nhân hàng đầu của thực trạng này là không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật khi để tình trạng mất ATTP tràn lan.

Công tác thanh tra kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng. “Tôi băn khoăn số liệu báo cáo của các bộ ngành, vì tình trạng là rất báo động, tràn lan, chứ không thể chỉ là con số 5% - 6% thực phẩm bẩn. Tôi xin lỗi là không tin con số này, vì có thể do cách lấy mẫu”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.

Phải có người chịu trách nhiệm

Trước vấn đề nóng của ATTP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATTP. Tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các địa phương không nói đến thành tích làm được cái này, cái kia nữa mà tập trung nêu những vướng mắc để đưa ra biện pháp thực thi tốt nhất trên tinh thần cầu thị, lắng nghe để nâng cao trách nhiệm.

Thủ tướng lưu ý vấn đề ATTP đã nói rất nhiều rồi nhưng kết quả còn hạn chế. Bây giờ phải thay đổi cách tiếp cận cho rõ hơn để có hiệu quả. Trong rất nhiều mặt hàng thực phẩm mà người dân dùng hằng ngày phải tiến hành giám sát để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mất ATTP. Trước mắt cần chọn mặt hàng tươi sống, trực tiếp tiêu dùng hằng ngày của nhân dân để giám sát.

Từ tình hình thực tế và đòi hỏi bức xúc của xã hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một chỉ thị về bảo đảm ATTP với nhiều giải pháp mới, quyết liệt và cụ thể gắn với đề cao trách nhiệm của các cơ quan, công chức Nhà nước và làm rõ trách nhiệm của ngành dọc, các địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh, để bảo đảm ATTP đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị như tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… Làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, nhất là trách nhiệm của người sản xuất; trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương… Đặc biệt là trách nhiệm giám sát của các cấp, ngành, cơ quan dân cử để tạo ra sự chuyển biến đồng bộ trong bảo đảm ATTP./.

VOV.VN (theo Phương Anh/Báo TNVN)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích