Tiếng Việt | English

29/03/2016 - 09:59

Phải quản lý chặt chẽ hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản

Thời gian gần đây, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản kém chất lượng, nhập lậu, không rõ nguồn gốc; sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi diễn biến rất phức tạp, đang là vấn đề bức xúc của người tiêu dùng.


Kiểm tra một số mặt hàng thuốc được sử dụng trong nông nghiệp, chăn nuôi, thú y, thủy sản tại một số cửa hàng

Hàng loạt vụ việc sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép được phát hiện, thông tin trên báo chí càng làm dấy lên mối lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, việc phòng, chống, quản lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi là yêu cầu cấp thiết cần được quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

Người dân khó nhận biết thực phẩm an toàn

Dạo quanh một vòng các chợ tại trung tâm TP.Tân An cũng như một số chợ ở các địa phương trong tỉnh để tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Đâu là thực phẩm an toàn, đâu là thực phẩm kém an toàn? thực sự rất khó. Hầu hết người tiêu dùng vẫn chọn hình thức mua hàng truyền thống tại các chợ. Trong khi đó, nguồn gốc hầu hết các sản phẩm thiết yếu hằng ngày như: Rau xanh, thịt, cá,... được bày bán thì người tiêu dùng không thể biết hoặc thậm chí cũng ít quan tâm. Hình thức mua bán chủ yếu vẫn là dựa vào sự tin tưởng hay “mối quen”. Và liệu rằng, những mớ rau, miếng thịt, con cá kia có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm?

Anh Trần Tấn Đạt, ngụ phường 2, TP.Tân An cho biết: “Qua thông tin từ báo chí về những tác hại của hàng hóa không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nói thật, mỗi khi đi chợ, tôi không biết và không dám mua gì. Rau xanh thì bị đồn thổi là sử dụng quá hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật để khỏi bị sâu bệnh, xanh non bắt mắt; còn thịt thì được sử dụng chất tạo nạc, có thể gây bệnh ung thư;... Tuy nhiên, nếu không mua thì chẳng biết ăn gì hằng ngày. Vì vậy, gia đình tôi chọn những cửa hàng quen biết để mua chứ không biết có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không”.

Đến những người dân khu vực xa nhất như huyện Tân Hưng cũng lo ngại về thực phẩm không an toàn. Ông Trần Văn Cơ, ở xã Vĩnh Lợi cho biết: “Gia đình tôi buộc lòng phải mua những thực phẩm không tự sản xuất được như thịt heo, chứ rau xanh thì nhà tự trồng, hái ăn cho bảo đảm an toàn”.

Mới đây nhất, dư luận còn xôn xao trước việc hô biến cá trê trắng thành cá trê vàng tại các cơ sở ao nuôi khu vực huyện Thạnh Hóa. Theo đó, trước khi thu hoạch gần 2 tháng, người dân chỉ cần trộn 2 loại hóa chất, trong đó có 1 loại dành riêng trong chăn nuôi với công dụng tăng cường màu cho da và chân gà thịt, tăng màu tự nhiên cho lòng đỏ trứng và có thể biến cá trê trắng thành cá trê vàng như cá trê đồng để bán được giá. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra và kiểm nghiệm 2 mẫu thuốc này thì không phát hiện chất cấm theo quy định. Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan hiện nay vẫn còn là mối lo ngại lớn ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng cũng như sức khỏe của người dân.


Một số mẫu nghi ngờ được Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh lập biên bản tạm giữ, chờ kết quả kiểm nghiệm

Chưa phát hiện tình trạng sử dụng chất cấm

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh - Nguyễn Thanh Toàn, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra trên 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chăn nuôi, thuốc thú y, thủy sản; trong đó, tiến hành lấy mẫu và lập biên bản tạm giữ đối với 8 mặt hàng thuốc chưa đăng ký trong danh mục được phép lưu hành để kiểm định chất lượng. Trước đó, Thanh tra Sở chưa ghi nhận tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thú y, thủy sản theo quy định. Hầu hết các vi phạm được xác định do các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện kinh doanh về kho, bãi, nhãn mác. Riêng quí I, trong quá trình kiểm tra, Thanh tra Sở phát hiện và ra quyết định xử phạt hành chính đối với 4 cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc sử dụng trong chăn nuôi, thú y, thủy sản với số tiền gần 70 triệu đồng.

Ngày 19-2-2016, từ những phản ánh của người dân về tình trạng sử dụng thuốc tạo màu trong nuôi cá trê vàng tại huyện Thạnh Hóa, Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện 1 hộ vừa sử dụng và kinh doanh thức ăn cho cá trê, nhưng loại thức ăn này chưa đăng ký trong danh mục hàng hóa lưu hành trong thủy sản. Từ đó, Thanh tra Sở ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 32 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 2-3-2016, với lỗi tương tự, Thanh tra Sở cũng lập biên bản và xử phạt 1 cơ sở kinh doanh tại huyện Châu Thành với số tiền 16 triệu đồng.


Công nhân Cty TNHH Giày Đông Việt (Khu công nghiệp Thuận Đạo mở rộng, huyện Cần Đước) phải nhập viện điều trị do ngộ độc thực phẩm. Trong đó, riêng quí I, trong quá trình kiểm tra, Thanh tra Sở phát hiện và ra quyết định xử phạt hành chính đối với 4 cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc sử dụng trong chăn nuôi, thú y, thủy sản với số tiền gần 70 triệu đồng.

Riêng đối với việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi heo đang nhức nhối hiện nay, theo ông Nguyễn Thanh Toàn, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào. Vào trước Tết Nguyên đán 2016, trong quá trình kiểm tra, Thanh tra Sở phát hiện 1 lô dương tính với Salbutamol (chất tạo nạc) tại lò mổ N.D ở TP.Tân An và tạm giữ lô hàng. Tuy nhiên, khi lấy mẫu kiểm nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú ý Trung ương 2 thì kết quả vẫn còn trong ngưỡng cho phép. Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra, vẫn còn tình trạng hàng kém chất lượng, hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn còn lưu giữ trong kho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Với khoảng 40 cơ sở sản xuất thức ăn, thuốc trong chăn nuôi, thú y, thủy sản và khoảng 200 cơ sở kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn hiện nay, theo ông Toàn, Thanh tra Sở sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở xản xuất, kinh doanh; xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, phối hợp Phòng Cảnh sát Môi trường trong quá trình kiểm tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, thời gian tới, Thanh tra Sở thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin phản ánh của người dân.

Sẽ phạt tù đến 20 năm khi phát hiện sử dụng chất cấm
trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm gây hậu quả nghiệm trọng sẽ bị phạt tù đến 20 năm là quy định mới nhất khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 tới.

Theo đó, tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Các hành vi dùng chất cấm vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, ngay cả khi chưa xác định được hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm. Đặc biệt với các tình tiết tăng nặng như làm chết 3 người; gây tổn hại sức khỏe của 3 người trở lên với tỷ lệ tổn thương của mỗi người 61% trở lên hoặc gây tổn hại sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương của những người này 201% hay thu lợi bất chính từ 1 tỉ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12-20 năm.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết