Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Quang Vinh/Vietnam+)
Ngày 7/10 ở thủ đô Moskva của Nga, Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Tình hình ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài La Hay (Hà Lan)."
Tham dự hội thảo có khoảng 30 đại biểu tham dự là các học giả, chuyên gia nghiên cứu đầu ngành, và các sinh viên, nghiên cứu sinh chuyên ngành châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam Á của nhiều trường đại học tại Nga.
Thông qua 10 bài tham luận và quá trình trao đổi sôi nổi, các đại biểu tham dự đã cùng thảo luận về nhiều khía cạnh liên quan tranh chấp trên Biển Đông như ý nghĩa phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) đối với việc giải quyết hòa bình tranh chấp trên Biển Đông, phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với phán quyết, hệ quả của phán quyết đối với nền kinh tế các quốc gia trong khu vực và ảnh hưởng của nó tới hệ thống an ninh khu vực, quan điểm của Nga trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông...
Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, ông Dmitry Mosyakov - tiến sỹ Khoa học lịch sử, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại Dương thuộc Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng sau phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay (Hà Lan) hôm 12/7 vừa qua, mặc dù Trung Quốc không công nhận nhưng tình hình trong khu vực và ở Biển Đông đã không trở nên phức tạp hơn, mà trái lại, các bên liên quan đến tranh chấp và ngay cả Trung Quốc đã ủng hộ tiến hành các cuộc đàm phán để tìm kiếm sự thỏa hiệp.
Nhận định về quan điểm của Nga trong tranh chấp ở Biển Đông, cũng như đối với phán quyết hôm 12/7, ông Mosyakov đặc biệt nhấn mạnh Moskva vẫn luôn giữ quan điểm trung lập. Nga luôn coi trọng và kêu gọi các bên giải quyết các tranh chấp bằng con đường hoà bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Với bài tham luận có nhan đề: “Phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay - ý nghĩa và hệ quả," ông Grigory Lokshin - Tổng Thư ký Viện Hòa bình Vienna, nhà nghiên cứu cao cấp Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhấn mạnh quyết định của Tòa Trọng tài cho thấy tuyên bố về “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là hoàn toàn không có cơ sở và chính vì vậy mà Trung Quốc không thể đưa ra yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Kết thúc hội thảo, các học giả đều nhất trí cho rằng cho tới nay, quyết định của Tòa Trọng tài đã tác động khá tích cực tới tình hình ở Biển Đông so với dự đoán trước đó./.
Theo TTXVN