Bí thư Tỉnh ủy Long An - Mai Văn Chính (nhiệm kỳ 2010-2015) đối thoại với nhân dân về chương trình XDNTM ở huyện Bến Lức ngày 26-12-2014
Ngày 7-7-2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định 1991-QĐ/TU về “Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp ủy đảng với nhân dân”. Ngay khi Quy chế ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời tổ chức đối thoại ở cả 3 cấp trong tỉnh.
Ngày 26-12-2014, Bí thư Tỉnh ủy - Mai Văn Chính tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân xã Thanh Phú, huyện Bến Lức với chủ đề xây dựng nông thôn mới, sau đó, các đồng chí bí thư cấp ủy huyện, thị xã, thành phố; bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch tổ chức đối thoại với nhân dân. Các buổi đối thoại diễn ra trong không khí dân chủ, hài hòa, cởi mở, gắn bó trách nhiệm của người lãnh đạo Đảng, chính quyền với nhân dân, người dân được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, góp ý, phản ánh, kiến nghị với tinh thần xây dựng, thái độ tích cực.
Bí thư các cấp ủy tiếp thu, lắng nghe và trả lời trực tiếp, thẳng thắn, rõ ràng, với tinh thần trách nhiệm cao, hầu hết các ý kiến giải quyết kịp thời, thấu đáo những băn khoăn, vướng mắc, bức xúc của nhân dân, qua đó, tạo được không khí dân chủ, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng cao.
Sau các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy với nhân dân, tình hình tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có sự chuyển biến tích cực, các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến chủ đề đối thoại được cán bộ, đảng viên và nhân dân thông suốt, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền được nâng lên, mối quan hệ gắn bó ngày một khắng khít hơn; đồng thời, qua hoạt động này, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương được tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân thông suốt; tại các cuộc tiếp xúc này nhân dân được cung cấp nguồn thông tin chính thống về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để nhân dân hiểu rõ, nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những thuận lợi, khó khăn của địa phương, từ đó, nhân dân thấy được phần trách nhiệm của mình trong việc tham gia cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa hương.
Năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có kế hoạch số 05-KH/TU ngày 7-12-2015 tổ chức tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Tỉnh ủy với nhân dân về việc thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, quyết định này quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản thuộc các dự án cánh đồng lớn theo quy hoạch và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự kiến buổi đối thoại diễn ra vào cuối tháng 12-2015.
Để có buổi đối thoại diễn ra đạt mục đích, yêu cầu đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chuẩn bị chu đáo. Trước khi tổ chức đối thoại, các cấp ủy đã chỉ đạo MTTQ phối hợp với HĐND, UBND, các tổ chức chính trị - xã hội nắm bắt dư luận xã hội, tổng hợp ý kiến, phản ánh của nhân dân theo các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, người đứng đầu cấp ủy đã phân công các cơ quan chức năng có liên quan chuẩn bị báo cáo, giải trình tại buổi đối thoại với nhân dân. Hội nghị đối thoại quán triệt mục đích, yêu cầu, nội quy, bảo đảm ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu. Chủ trì hội nghị đánh giá khái quát những vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm và tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Người dân phát biểu ý kiến trong cuộc đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Long An tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An ngày 26-12-2014
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị thông qua việc đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy với nhân dân. Trong thời gian tới, cần quan tâm một số nội dung sau:
Một là: Thường xuyên nâng cao nhận thức, ý nghĩa về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đối với hoạt động đối thoại nói riêng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân nói chung; coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đối thoại còn giúp đổi mới phương thức hoạt động của cấp ủy và đặc biệt là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong thực thi công vụ theo phương châm: “Gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
Hai là: Đối thoại phải được đưa vào chương trình, kế hoạch thực hiện hàng năm của cấp ủy, của người đứng đầu cấp ủy. Thực hiện tốt các bước chuẩn bị cho cuộc đối thoại (kế hoạch, chương trình, nội dung, quy chế, trình tự, địa điểm đối thoại, tổng hợp các ý kiến, các vấn đề bức xúc, dư luận của nhân dân, dự kiến kết quả giải quyết, thông báo công khai trong nhân dân). Nội dung đối thoại phải cụ thể và trọng tâm, là những vấn đề bức xúc, nhân dân đang quan tâm; lắng nghe và giải quyết tốt tâm tư, nguyện vọng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Ba là: Cấp ủy đảng chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa chính quyền, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp nắm bắt tình hình nhân dân, dư luận xã hội, những vấn đề bức xúc, phức tạp để tập hợp, tham mưu, đề xuất phương án, biện pháp giải quyết kịp thời, chất lượng, hiệu quả.
Bốn là: Tổ chức đối thoại ở các cấp có sự phối hợp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để bảo đảm trả lời, giải đáp đầy đủ, toàn diện; kết hợp cho ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các cơ quan, ban, ngành thực hiện giải quyết các kiến nghị, đề nghị của nhân dân; tiếp thu ý kiến, kinh nghiệm của nhân dân để bổ sung vào chủ trương, nhiệm vụ chính trị của cấp ủy đảng, chương trình mục tiêu, kế hoạch của chính quyền. Trong đó, nêu cao vai trò trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát kết quả giải quyết đối thoại và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Năm là: Tăng cường tổ chức đối thoại đột xuất, thường xuyên ở địa phương, cơ sở có tiềm ẩn phức tạp, nhiều kiến nghị, khiếu kiện của nhân dân. Các ý kiến tập trung vào một số nội dung như phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, về môi trường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng nông thôn mới, cánh đồng lớn, quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, thực hiện chế độ chính sách người có công, xây dựng hệ thống chính trị,... Kết hợp mở rộng các hình thức đối thoại như: Giữa các cơ quan Nhà nước cùng cấp, cấp trên với cấp dưới, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp trên trực tiếp làm trọng tài, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính, cơ chế chính sách, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành trong thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.
Làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân là nhằm phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân; tạo mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa nhân dân với Đảng; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Mặt khác, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng đối với việc quán triệt thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy ở địa phương./.
Trần Văn Cần (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An)