Ôn lại truyền thống
Đúng 8 giờ lễ kỷ niệm mới bắt đầu nhưng trước đó từ rất sớm, nhiều đại biểu đã có mặt tại hội trường. Bên cạnh những cán bộ, chiến sĩ BP đang công tác thì nhiều “người lính già” từng làm việc, công tác trong lực lượng BP Long An qua các thời kỳ cũng đến dự.
Gần 90 tuổi, đi lại khó khăn, có khi phải nhờ chiếc nạng gỗ nhưng Đại tá Đỗ Thành Sáu - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Long An, vẫn đến dự lễ. “Đến đây, gặp lại anh em, đồng chí, đồng đội và các cán bộ, chiến sĩ đang công tác để cùng được nghe và ôn lại truyền thống, những chiến công của lực lượng BĐBP trong thời chiến, thời bình, tôi thấy khỏe ra” - ông Sáu thổ lộ. Thấy chúng tôi cầm máy ảnh, ông vẫn nán lại với những “người lính già” chụp chung kiểu ảnh làm kỷ niệm. Và trong lễ kỷ niệm, ngồi dưới hàng ghế đại biểu, nhiều người xúc động, bồi hồi chăm chú theo dõi phóng sự phát trên màn hình lớn, trong đó có đoạn được nghe ông Sáu kể về truyền thống BĐBP Long An với chất giọng khỏe khoắn. Những sự kiện, cột mốc, dấu ấn về truyền thống BĐBP Long An là niềm tự hào in sâu vào tâm khảm của ông.
Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh tặng bức trướng cho Bộ đội Biên phòng tỉnh
Thượng tá Nguyễn Thanh Đề (68 tuổi) - nguyên Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đến hội trường từ rất sớm. Ông là người con Quảng Bình nhưng vào công tác trong lực lượng BĐBP Long An từ năm 1978, đến 2003 về hưu và sinh sống tại thị xã Kiến Tường. Ông bảo: “Thật vui khi đến dự lễ kỷ niệm, được gặp lại những người bạn, đồng chí từng chia ngọt sẻ bùi trong những năm tháng công tác cùng nhau. Càng vui hơn khi tại lễ kỷ niệm này, tôi được gặp lại những thủ trưởng như anh Đỗ Thành Sáu, Nguyễn Minh Dân, Trần Văn Năm,... còn khỏe mạnh”.
Không chỉ dành những tình cảm cho những người đồng đội, thủ trưởng năm xưa mà khi gặp cán bộ, chiến sĩ trẻ (CB, CST), tôi vẫn nghe ông hỏi thăm quê ở đâu, công tác ở phòng, ban hay đồn BP nào, bao lâu rồi. Ở ông vẫn toát lên hình ảnh của một người lính BP gần gũi, dễ mến.
Trong cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Thanh Đề bày tỏ niềm tự hào về lịch sử, truyền thống của lực lượng BĐBP. Với BĐBP Long An, ông cho rằng, ngoài thực hiện tốt công tác bảo vệ đường biên, cột mốc, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, thực hiện công tác đối ngoại với nước bạn Campuchia, ông cũng rất ấn tượng với những việc làm giúp dân. Điều đó được thể hiện bằng nhiều mô hình: Mỗi tuần một địa chỉ, Hũ gạo tiết kiệm, Thầy giáo quân hàm xanh, Thầy thuốc quân hàm xanh, Nâng bước em tới trường, Lớp học tình thương,…
Các đồng chí từng công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng Long An vui mừng khi gặp nhau
Còn ông Nguyễn Minh Dân (SN 1940) gia nhập quân đội từ năm 1961, giai đoạn 1987 đến 1990, ông là Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh. Cuối năm 1990, ông trở về cuộc sống đời thường với cấp hàm Trung tá và gắn bó với mảnh đất biên giới xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng. Trước khi buổi lễ bắt đầu, ông vẫn hay trò chuyện với CB, CST. Ông Dân bảo, cảm thấy vui vì thấy những CB, CST có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Tổ quốc và luôn hướng về nhân dân. Vì thế, ông tin tưởng những cán bộ, chiến sĩ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
“Mỗi khi trò chuyện với CB, CST, tôi vẫn thường căn dặn, phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành sự phân công của tổ chức và bản thân phải luôn tự trau dồi, rèn luyện, học tập, làm theo Bác Hồ. Ngày nay, điều kiện làm việc đã tốt hơn nhiều so với trước đây, đường biên giới đi lại cũng thuận tiện hơn, đó sẽ là điều rất thuận lợi trong quá trình công tác” - ông Dân nhắn nhủ.
Vì sự bình yên của nhân dân
Sau chương trình văn nghệ, phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần có bài diễn văn ôn lại truyền thống 60 năm Ngày thành lập BĐBP, 30 năm Ngày BP toàn dân. Theo đó, ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW, và ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg “Thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang” (nay là BĐBP). Cũng từ thực tiễn công tác vận động quần chúng xây dựng và bảo vệ biên giới, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh BĐBP tham mưu Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 16/HĐBT, ngày 22/02/1989 về tổ chức Ngày BP trong cả nước (bắt đầu từ 03/3/1989).
Bộ đội Biên phòng Long An tuần tra bảo vệ biên giới
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã tận tụy vì dân, anh dũng hy sinh vì chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Hình ảnh người chiến sĩ BP Việt Nam để lại những ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp trong nhân dân và lực lượng vũ trang nước bạn, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết quốc tế mẫu mực, truyền thống, trong sáng, thủy chung của dân tộc Việt Nam.
60 năm xây dựng, trưởng thành và không ngừng phấn đấu, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BP trong cả nước đã lập nên nhiều chiến công và thành tích vẻ vang. Toàn lực lượng BĐBP vinh dự 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng “Lực lượng vũ trang nhân dân (12/1979; 02/2009); 1 Huân chương Sao Vàng; 3 Huân chương Hồ Chí Minh; 2 Huân chương Độc lập: Hạng Nhất, hạng Nhì; 2 Huân chương Quân công, 154 lượt đơn vị và 67 cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đối với tỉnh Long An, ngày 05/5/1976, lực lượng BĐBP 2 tỉnh Long An và Kiến Tường được sáp nhập thành lực lượng BĐBP tỉnh Long An. Lực lượng BĐBP tỉnh lập nhiều thành tích xuất sắc, tô thắm thêm truyền thống của toàn lực lượng anh hùng. Một trong những chiến công điển hình nhất là trong chiến tranh biên giới Tây Nam, cán bộ, chiến sĩ Đồn Long Khốt phối hợp dân quân chiến đấu anh dũng ngăn chặn các mũi tiến công của địch. Qua 43 ngày đêm chiến đấu liên tục, từ ngày 14/01 đến ngày 27/02/1978, Đồn Long Khốt đánh lùi 21 đợt tiến quân của địch, tổ chức chiến đấu 28 trận, diệt tại chỗ 55 tên, bắn bị thương nhiều tên, thu 6 súng, giữ vững đoạn biên giới phụ trách, bảo vệ thị trấn Mộc Hóa.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc, BĐBP tỉnh còn tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới ở vùng biên giới và được cụ thể bằng nhiều mô hình, cách làm hay sáng tạo, thiết thực,... “Tự hào về truyền thống, mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP cần nhận thức rõ trách nhiệm và vinh dự, tiếp tục phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng và bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhấn mạnh.
Thay mặt thế hệ trẻ BĐBP tỉnh, Thượng úy Trương Đông Phi hứa luôn nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ trẻ BĐBP Long An sẽ không ngừng tu dưỡng, học tập, rèn luyện, khắc phục khó khăn, gian khổ, dũng cảm, xung kích, sáng tạo, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh quên mình vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân./.
Dự lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân có Thiếu tướng Du Trường Giang - Phó Tư lệnh Quân khu 7; Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và đông đảo đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. |
Lê Đức